Xác định nhu cầu nhân sự ngành du lịch sau đại dịch

TUẤN VỸ 19/05/2022 16:26

Sau đại dịch Covid-19, lực lượng nhân sự ngành du lịch có nhiều thay đổi khi phần lớn người lao động đã chuyển nghề sau một thời gian không có việc làm.

>>Bình ổn giá vật liệu xây dựng

Ngày 19/5, Văn phòng giới sử dụng lao động – VCCI tổ chức tọa đàm “Xác định nhu cầu nhân lực theo vị trí việc làm ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 và giải pháp” để tìm hướng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Tại buổi tọa đàm, cộng đồng doanh nghiệp cùng các đơn vị đào tạo ngành du lịch đã cùng trao đổi tìm tiếng nói chung đáp ứng “cung – cầu” trong công cuộc phục hồi du lịch.

Khai mạc tọa đàm, bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động nhìn nhận ngành du lịch thời gian qua gặp một số khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Theo bà Minh, việc người lao động chuyển nghề sau một thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh khiến nhiều vì trí của doanh nghiệp bị khuyết chỗ.

a

 Tọa đàm “Xác định nhu cầu nhân lực theo vị trí việc làm ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 và giải pháp” tổ chức tại Đà Nẵng. 

“Sau đại dịch và trong công cuộc phục hồi du lịch, các doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu nhân sự của mình để đảm bảo hoạt động. Trong đó, nhu cầu thực tế cần có một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm để sẵn sàng phục vụ. Vì vậy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo là hết sức cần thiết, từ đó tạo thành một mối liên hệ cung cầu nhân sự, qua đó khôi phục ngành du lịch nói chung”, bà Minh nói.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tư vấn đào tạo cho rằng mối liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại là rất quan trọng để tìm kiếm nguồn nhân lực du lịch. Theo ông Dũng, các trường hiện nay đã có bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tuy nhiên giữa 2 bên vẫn chưa có sự thống nhất chung về việc đào tạo.

“Hiện tại, vai trò của người đào tạo rất quan trọng trong việc kết nối với doanh nghiệp, từ đó tạo ra môi trường, nòng cốt về con người thể hiện qua việc phát hiện nhu cầu. Đồng thời, nhà trường cũng cần tham gia vào việc giải quyết nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực sau đại dịch”, ông Bùi Thế Dũng nói.

a

Bà Trương Thị Lan Hương, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Grand Đà Nẵng cho rằng nhà trường cần nhiều hơn nữa trong công tác định hướng mục tiêu cho sinh viên, còn việc đào tạo chuyên sâu doanh nghiệp có thể hỗ trợ trong quá trình làm việc.

Theo thông tin từ Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng có hơn 55.000 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, sau đó hơn 40.000 người đã phải tạm dừng việc làm vì những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong 2 năm qua.

Bà Trương Thị Lan Hương, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Grand Đà Nẵng cho biết trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh phía khách sạn vẫn nỗ lực giữ chân, hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng nghiệp vụ của người lao động giảm đi đáng kể vì không phục vụ du khách trong một thời gian dài.

Theo bà Hương, việc tuyển dụng hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn về số lượng, chất lượng và cả tiền lương. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn doanh nghiệp không thể chi trả quá nhiều nhưng người lao động lại muốn có thu nhập cao.

a

Ông Lê Nhớ - Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết công tác đào tạo sinh viên còn gặp nhiều khó khăn.

“Với công tác tuyển dụng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp muốn có lực lượng nhân sự có ý thức, thái độ,... Tại môi trường học đường, các nhà trường cần nhiều hơn nữa trong công tác định hướng mục tiêu cho sinh viên, còn việc đào tạo chuyên sâu doanh nghiệp có thể hỗ trợ trong quá trình làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất cần lực lượng lao động thông thạo ngoại ngữ để thuận tiện hơn trong công việc”, bà Trương Thị Lan Hương nói.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác đào tạo, ông Lê Nhớ - Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết việc khó nhất chính là hỗ trợ sinh việc có việc làm ổn định sau thời gian học tập. Theo ông Nhớ, hiện tại các doanh nghiệp chỉ cần nguồn nhân lực cho các vị trí nhỏ chứ không theo quy mô lớn như giảng dạy mà nhà trường có.

“Các vị trí mà doanh nghiệp cần là cụ thể, nhưng nhà trường lại dạy rất nhiều kiến thức cho nhiều bao quát tất cả lĩnh vực. Đồng thời, các môn học chuyên môn giảng dạy tại nhà trường lại khó hơn so với thực hành tại doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp lại ít có thời gian để đào tạo sinh viên. Do đó, nhà trường hy vọng doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo sinh viên trong một số môn học thực tế”, ông Lê Nhớ nói.

Có thể bạn quan tâm

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Hoạt động số hóa chưa thật sự đồng bộ

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Hoạt động số hóa chưa thật sự đồng bộ

    03:51, 19/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: vấn đề cấp thiết

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: vấn đề cấp thiết

    03:36, 19/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Phải chuyển từ tư duy đến hành động

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Phải chuyển từ tư duy đến hành động

    02:47, 19/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Vấn đề sống còn của doanh nghiệp

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Vấn đề sống còn của doanh nghiệp

    00:41, 19/05/2022

TUẤN VỸ