Doanh nghiệp cần gì trước “bão giá”?
Khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, kiến nghị phổ biến nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không tăng các loại thuế, phí.
>> Hóa giải thách thức lạm phát
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, cho biết, tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa hồi phục sau đại dịch, chi phí đầu vào lại tăng mạnh, làm sao để giảm chí phí sản xuất luôn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay đối với doanh nghiệp.
Trong khi bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết, sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang tính toán tiếp tục tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng.
Không những thế, các doanh nghiệp cho rằng giá thực phẩm thời gian tới còn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người nuôi lợn bị thua lỗ, không tái đàn, dẫn đến thiếu thịt khiến giá tăng lên.
Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine, dự báo mức tăng giá xăng dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng thời điểm này. Trong khi, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Ở Việt Nam, khi giá xăng tăng kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy sẽ tăng thêm khiến doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi.
Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng họ đang phải chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng. Tình hình nhập nguyên liệu, hàng hóa đang gặp khó khăn do nguồn hàng, nguyên liệu bị thiếu hụt và thiếu tàu chở hàng, trong khi giá xăng dầu liên tục lập định mới khiến họ không kịp trở tay và rất chật vật để xoay sở.
>> FED: Không dừng tăng lãi suất đến khi ổn định lạm phát
Theo ông Trương Chí Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt (chuyên các sản phẩm thực phẩm nhãn hiệu V-Food), khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán.
“Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Doanh nghiệp có tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.Hồ Chí Minh, nhưng thời gian tới đà tăng vẫn tiếp tục thì doanh nghiệp buộc phải xin điều chỉnh lại giá bán ra của chương trình này. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng ngồi lại cùng các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ để chia sẻ giải pháp giảm chi phí bán hàng, nhằm hạn chế tác động thấp nhất của giá xăng dầu lên giá sản phẩm”- ông Cường chia sẻ.
Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng được xem là đang bị tác động mạnh và trực tiếp vào hoạt động khi xăng dầu tăng giá. Đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ”. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25-30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30-40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi khó có thể điều chỉnh quá nhanh như vậy.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện cũng rơi vào thế khó trong chuyện tăng giá bán, vì với kênh siêu thị muốn tăng giá bán phải báo trước mấy tháng, không thể nói là tăng ngay lập tức được.
Các doanh nghiệp này cho biết, nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng viện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), phân tích, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh này, nên giảm các loại thuế phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc tăng thuế phí là điều nên tránh, bởi thuế phí tăng đẩy giá hàng hóa tăng sẽ tiếp sức cho lạm phát tăng cao.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp "chao đảo" vì giá xăng tăng
11:00, 14/02/2022
Áp lực lạm phát tăng cao, hoá giải cách nào?
03:30, 04/06/2022
Điều gì sẽ xảy ra nếu FED không thể chế ngự lạm phát?
05:00, 23/05/2022
Hóa giải thách thức lạm phát: Giải pháp kiềm chế lạm phát
01:00, 22/05/2022
Lạm phát năm 2022 có thể ở mức 4% - 4,5%
03:50, 13/05/2022