Hợp tác báo chí - doanh nghiệp: Phải thực chất, nói và làm đúng

NGUYỄN VIỆT 29/06/2022 11:33

Việc xây dựng niềm tin và sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp đòi hỏi có quá trình, phải thực hiện bằng hành động, không thể bằng “hô hào” hay những lời hứa “đẹp”.

>>Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trong công cuộc dựng xây đất nước

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công. Ảnh: Tuấn Tú

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công. Ảnh: Tuấn Tú

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững, ngày 29/6.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chúng ta bàn về hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí để đồng hàng cùng Chính phủ vì một nước Việt Nam phát triển bền vững. Nhưng nội dung chính là bàn về hai giới báo chí và doanh nghiệp. Nội dung này đúng và trúng vì đây là vấn đề nóng thường xuyên trong cuộc sống thực tiễn tại Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công gợi ý về kinh nghiệm của Việt Nam. Tính từ năm 1945 đến nay đã trải qua 77 năm, trong 77 năm đó có thể chia làm hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất là chống giặc ngoại xâm, dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước gần 40 năm và chúng ta đã thành công.

Cuộc chiến thứ hai cũng đã hơn 30 năm, đó là cuộc chiến chống đói nghèo để phát triển kinh tế đất nước, đem lại sự phồn vinh hạnh phúc đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, chúng ta đã có đích rõ ràng là đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công:

Thứ nhất, chúng ta chiến thắng là do sự lãnh đạo sáng suốt tuyệt đối của Đảng.

Thứ hai, Việt Nam đã tạo được mặt trận thống nhất toàn dân tộc.

Thứ ba, đó là vai trò của báo chí. Báo chí đã đưa thông tin chính xác và có khích lệ, động viên rất lớn đối với toàn xã hội. Đặc biệt, đối với lực lượng chính trong cuộc chiến, đó là những người lính, chiến sĩ ở chiến trường.

Mặc dù không phải không có những hiện tượng tiêu cực, nhưng thời điểm đó chúng ta tập trung tuyên truyền, xây dựng tính tích cực. Và ngày hôm nay, nhìn lại cuộc chiến đói nghèo đã hơn 30 năm thì sẽ chiến thắng như thế nào? Vai trò của báo chí ra sao?

“Tôi cho rằng, vai trò của báo chí trong cuộc chiến này cũng không thua kém, thậm chí còn quan trọng hơn các giai đoạn trước đây. Và tôi tin rằng, báo chí tiếp tục truyền thống xây dựng hình ảnh tốt như động viên người lính ngoài chiến trường, còn bây giờ là những người lính trên mặt trận kinh tế, thì chắc chắn dân tộc ta sẽ chiến thắng cuộc chiến này”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, rất cần sự đồng hành và hợp tác giữa báo chí với doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là yếu tố mang tính nền tảng và then chốt để Việt Nam thành công, với mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Điều này cần có đủ nhận thức chung của cả hai giới.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã cho thấy, rất cần có một sự văn minh báo chí và văn minh văn hoá kinh doanh. Chúng ta không chỉ hướng đến giàu có mà cần phải có văn minh. “Điểm lại, đây là vấn đề cả hai giới phải xây dựng. Đó là văn minh báo chí và văn hoá kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.

Thực tiễn ra sao?

Qua thảo luận tại diễn đàn Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận thấy, sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp đang rất tốt. Nếu không thì sẽ không bao giờ có sự phát triển của 850.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh như hiện nay. Điều này chúng ta phải biết ơn báo chí đã luôn ủng hộ.

rất cần sự đồng hành và hợp tác giữa báo chí với doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Tú

Rất cần sự đồng hành và hợp tác giữa báo chí với doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Tú

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ở đâu đó vẫn có những hiện tượng đồng hành nhưng chưa thực chất, thậm chí đi ngược chiều “đồng sàng dị mộng”. Cùng chung một mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra, nhưng “giấc mơ” lại khác nhau.

Đâu đó vẫn còn tình trạng mưu cầu, trục lợi cá nhân, lợi ích riêng mà quên đi lợi ích dân tộc. Từ đây, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị cần phải nhìn thẳng vào bản chất và thực tế trong xã hội hiện đại hiện nay. Đó là, bằng duy vật biện chứng, bằng thực tiễn khách quan thì báo chí vẫn được đánh giá là “quyền lực”.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng không phủ nhận doanh nghiệp cũng là một “quyền lực”. Đó là quyền lực kinh tế, còn báo chí là quyền lực xã hội. Như vậy, báo chí và doanh nghiệp vừa có cùng mục tiêu nhưng cũng có chung thách thức trong giai đoạn tới.

"Chúng ta nói đến chuyển đổi số, đơn cử Facebook gần như đã chiếm hết tất cả “miếng bánh” quảng cáo. Trong khi, nguồn lực của báo chí bây giờ chỉ có ở sự hoạt động của các doanh nghiệp. Đây là thách thức rất lớn đối với báo chí, từ nguồn thu để duy trì bộ máy để phát triển hoạt động của mình.

Còn doanh nghiệp phải chịu thách thức từ cạnh tranh quốc tế, liên quan đến sự “sống còn” hàng ngày, khi phải lo toan cuộc sống cho hàng chục nghìn người lao động. Hay xu thế chung của thế giới đang vận hành, chưa kể đến nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đặt ra". - ông Công nói.

Thách thức chung cần hợp tác thế nào?

Nhìn vào nhiệm vụ và trách nhiệm của hai bên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá đây là “một cặp” rất “môn đăng hộ đối”. Do đó, báo chí và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đồng hành để thực hiện các mục tiêu chung. Từ đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu ra một số giải pháp sau.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Tú

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Tú

Thứ nhất, để đồng hành và hợp tác tốt, đầu tiên phải xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, đó là niềm tin. Nếu muốn có niềm tin đầu tiên phải đi từ nhận thức của từng doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên…

Coi đây là sự cộng sinh, đặc biệt trong cơ chế thị trường thì báo chí và doanh nghiệp là sự cộng sinh vì mục tiêu chung là sự phồn vinh của đất nước. Khi có niềm tin thì cần có sự chia sẻ thông tin với nhau để tránh trường hợp hiểu nhầm, có thể vô tình hoặc hữu ý, từ đó gây hại cho doanh nghiệp và xã hội.

"Với doanh nghiệp nhỏ, tổn thất từ một bài báo nêu ra chỉ ở phạm vi doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lớn là sự tổn thất xã hội, tổn thất quốc gia. Từ một bài báo có thể “đánh quỵ” một ngành hàng, một doanh nghiệp trong nước" - ông Công nói.

Thứ hai, để củng cố niềm tin thì rất cần có nhiều cuộc đối thoại giữa báo chí và doanh nghiệp. Có thể năm sau tổ chức diễn đàn báo chí và doanh nghiệp quy mô hơn, lớn hơn, gây được sự chú ý nhiều hơn.

Thứ ba, phải có sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác thực chất, nói đúng, làm đúng. Báo chí nói đúng, doanh nghiệp làm đúng. Doanh nghiệp làm sai báo không “bênh” và không ai “thương”.

Thứ tư, cùng nhau xây dựng hợp tác văn hoá của hai giới để làm sao đạo đức nghề nghiệp ngày càng được nâng cao.

Đây là nền tảng để báo chí và doanh nghiệp hợp tác thực chất và chân thành. Động cơ và hành vi cả hai giới phải xuất phát từ sự trong sáng.

Báo chí phải nói đúng, khách quan, trung thực, tránh bình luận chủ quan, đưa ra phán xét bằng những giải pháp, kết luận thay cho cơ quan chuyên môn.

Báo chí chỉ nên nêu ra phản ánh giải pháp, không thể thay toà án phán xét. Vì sự phán xét mang tính chủ quan của báo chí có thể “giết chết” một doanh nghiệp, một ngành nghề.

Về phía doanh nghiệp cũng phải minh bạch, tuân thủ pháp luật, tương tác cởi mở và có trách nhiệm với báo chí. Đưa thông tin đến báo chí phải trung thực. Nếu chỉ suy nghĩ doanh nghiệp trả tiền cho báo chí để quảng cáo sai là không thể chấp nhận. VCCI phản đối quyết liệt và không chấp nhận thực trạng này. Đây không phải là cách để có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh và văn minh.

Thứ năm, trong trách nhiệm xã hội của mình, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với báo chí trong nước. Ví dụ, ưu tiên sử dụng các dịch vụ, quảng cáo, truyền thông báo chí trong nước. Về vấn đề này, VCCI sẽ cùng trao đổi với Hội nhà báo Việt Nam hợp tác hiệu quả hơn.

Thứ sáu, xây dựng sự hợp tác giữa hai tổ chức đại diện của hai giới. Nói đồng hành, hợp tác nhưng hai bên tổ chức đại diện của hai giới vẫn “quay lưng vào nhau” thì làm sao có được sự hợp tác. Do đó, phải hình thành khuôn khổ hợp tác bằng văn bản, thực chất, có nền tảng mà không chỉ hợp tác theo vụ việc.

Thứ bảy, tôn vinh báo, nhà báo, doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Tổ chức Diễn đàn đồng hành báo chí-doanh nghiệp hàng năm.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI và KORCHAM thắt chặt kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

    02:55, 10/06/2022

  • VCCI tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ

    15:44, 09/06/2022

  • VCCI cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo các quy định của Việt Nam

    03:04, 04/06/2022

  • VCCI công bố bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

    14:50, 19/05/2022

  • VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

    11:04, 19/05/2022

  • VCCI Bình Thuận cùng OBC Việt Nam “tiếp lửa” cho doanh nghiệp

    17:12, 09/05/2022

  • VCCI với môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc

    11:16, 07/05/2022

  • VCCI điều động, bổ nhiệm 8 cán bộ

    22:25, 06/05/2022

NGUYỄN VIỆT