Rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp

NGUYỄN VIỆT 25/07/2022 00:24

Để một giải pháp được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam theo luật định khoảng 2 năm, nhưng trên thực tế phải mất 4 đến 5 năm, có trường hợp lâu hơn.

>>Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao

Ông Trần Huy Phương, Công ty TNHH Một thành viên Sở hữu trí tuệ VCCI nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022, ngày 23/7.

VCCI có thể kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Việt

VCCI có thể kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Việt

Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các giải pháp công nghệ, sản phẩm mới chỉ có vòng đời 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, phải mất 5 năm mới được cấp bằng sáng chế sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ nhận bằng sáng chế.

Nhiều doanh nghiệp phải bỏ nhận bằng sáng chế

“Do đó, VCCI có thể kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp”, ông Phương đề xuất.

Vẫn theo ông Phương, bên cạnh cấp bằng sáng chế chậm thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra rất phổ biến và tràn lan ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Ông Phương nêu ví dụ, bản thân công ty của ông một tháng trung bình phải kết hợp với hải quan, công an kinh tế, quản lý thị trường… xử lý khoảng 20 vụ việc. Chúng tôi chỉ là một công ty đại diện về sở hữu trí tuệ đã phải xử lý 20 vụ việc trong một tháng. Điều này cho thấy, việc xâm phạm, vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra rất phổ biến.

Trong khi, việc phối hợp xử lý của các cơ quan quản lý lại đang bị chồng chéo, phối hợp chưa “nhịp nhàng” trong xử lý các hành vi vi phạm, như quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ…

Chia sẻ về kết quả hoạt động của công ty trong 6 tháng đầu năm, ông Phương cho biết, được sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí trong Đảng, đoàn, Ban Thường trực, Công ty TNHH Một thành viên Sở hữu trí tuệ VCCI tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài xuất nhập khẩu quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, công ty vẫn tiếp tục duy trì và phát triển tốt công việc từ các thị trường trọng điểm, như giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu…

“Tổng kết 6 tháng đầu năm, chúng tôi vẫn duy trì một khối lượng công việc rất lớn. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch. Với kế hoạch thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty sẽ tiếp tục triển khai tốt để hoàn thành kế hoạch 6 tháng còn lại”, ông Phương bày tỏ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Thực, Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI-ITB) nêu hai vấn đề hoạt động, đó là chuyển đổi số nội bộ của VCCI và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, chuyển đổi số nội bộ, thực tế từ năm 2021 đến năm 2022 Viện Tin học Doanh nghiệp đã phối hợp với các ban, trung tâm trong tổ chuyển đổi số tiến hành khảo sát mức độ chuyển đổi số trong nội bộ VCCI.

Điểm nổi bật là các ban, đơn vị trong hệ thống VCCI đã ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Trên thực tế, giải pháp công nghệ chỉ là một phần, vấn đề chính là mô hình quản trị, quản lý và chiến lược hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, Viện Tin học Doanh nghiệp đã đàm phán và ký kết hợp tác với các đối tác hàng đầu về công nghệ chuyển đổi số của Việt Nam. Để làm tốt chuyển đổi số nội bộ, vấn đề quan trọng nhất là có sự chia sẻ thông tin.

Thứ hai, chuyển đổi số bên ngoài, Viện Tin học Doanh nghiệp nhất chí với đề án kết nối kinh tế trục và 10 liên kết. Khi Viện Tin học Doanh nghiệp làm việc với các đối tác về liên kết vùng, như Bộ Thông tin Truyền thông, Mobifone, Viettel, Misa… thì đã nhận được sự ủng hộ rất lớn. Các đối tác sẵn sàng bỏ nguồn lực cùng thực hiện công tác chuyển đổi số cho các vùng liên kết.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Đối với chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, VCCI có lợi thế là hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp và rất gần gũi với doanh nghiệp. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý để VCCI tổ chức bình xét và trao danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Ảnh: Nguyễn Việt

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý để VCCI tổ chức bình xét và trao danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Ảnh: Nguyễn Việt

Do đó, thời gian tới Viện Tin học Doanh nghiệp mong nhận được sự hỗ trợ từ các lãnh đạo chi nhánh, để cùng trao đổi với nhau và trao đổi với đối tác để xây dựng kế hoạch, chiến lược hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp. “Nguồn lực sẽ không thiếu, vấn đề chính là tìm đúng đối tượng để thực hiện”, ông Thực bày tỏ.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo cho biết, trong 6 tháng năm 2022 và để tiếp tục triển khai, Ban Hội viên Đào tạo có hai đề án.

Thứ nhất, đề án bình xét doanh nhân tiêu biểu 2022. Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý để VCCI tổ chức bình xét và trao danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022.

Về công tác này, Ban Hội viên và Đào tạo được sự chỉ đạo của Chủ tịch VCCI, Ban Thường trực đã khẩn trương triển khai đề án. Công việc đầu tiên là ngày 30/7 sẽ làm lễ phát động chương trình bình xét doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022.

Thứ hai, đề án đổi mới công tác hội viên. Trong khuyến nghị, đề xuất của các đơn vị có chi nhánh VCCI TP. HCM đề cập đến vấn đề xây dựng phần mềm, mức phí hội viên, cách thức hỗ trợ hội viên…

Ban Hội viên và Đào tạo đã chuẩn bị đề án, nhưng cơ sở dữ liệu để xây dựng dự án còn thiếu, sau cuộc làm việc của Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng và Ban Hội viên với tất cả các đơn vị trong hệ thống.

Theo đánh giá của Ban Hội viên và Đào tạo, điều quan trọng khi xây dựng các gói hỗ trợ là phải để doanh nghiệp khi nghe thấy sẽ biết ngay cái chúng ta có và thứ doanh nghiệp cần. Vấn đề này hiện đang còn nằm ở tất cả các đơn vị.

“Do đó, chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến các đơn vị xây dựng đầu sản phẩm để Ban Hội viên và Đào tạo có đủ cơ sở tổng hợp xây dựng đề án báo cáo Ban Thường trực, Ban Chấp hành quyết định thực hiện. Từ đó, mới đáp ứng được yêu cầu như chi nhánh VCCI TP. HCM đề nghị. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác của tất cả các đơn vị trong toàn bộ hệ thống VCCI”, ông Hà nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiện toàn cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VCCI

    11:43, 24/07/2022

  • Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao

    11:01, 24/07/2022

  • VCCI hỗ trợ YAP kết nối hợp tác tại Việt Nam

    12:56, 05/07/2022

  • VCCI và KORCHAM thắt chặt kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

    02:55, 10/06/2022

  • VCCI tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ

    15:44, 09/06/2022

  • VCCI cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo các quy định của Việt Nam

    03:04, 04/06/2022

NGUYỄN VIỆT