VCCI - “điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp
Trong suốt quá trình hoạt động, VCCI đã làm rất tốt vai trò của mình. VCCI trở thành “điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp.
>>VCCI sẽ tạo ra sự “khác biệt” cho các hội viên
Ông Trương Văn Cẩm, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ với DĐDN tại Lễ công bố quyết định của Chủ tịch VCCI, về việc công nhận hội viên chính thức VCCI và trao giấy chứng nhận hội viên đợt 1 năm 2022 cho các Hiệp hội doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc.
-Ông có thể chia sẻ những cảm nhận khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam chính thức nhận giấy chứng nhận là hội viên của VCCI?
Thực tế, hoạt động của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua cũng đã luôn gắn kết, cũng như phối hợp với các hoạt động của VCCI. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang một số khoá cũng là ủy viên Ban Chấp hành của VCCI. Nhưng hôm nay, nhận được giấy chứng nhận chính thức là hội viên, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm sẽ phải nhiều hơn và cao hơn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI để cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, cộng đồng doanh nghiệp dệt may nói riêng có một môi trường kinh doanh thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tạo ra sự thịnh vượng cho cả nước.
-Theo ông, VCCI đóng vai trò như thế nào đối với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam?
Trong suốt quá trình hoạt động, VCCI đã làm rất tốt vai trò của mình. VCCI trở thành “điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu cho nhà nước, đề xuất, kiến nghị với nhà nước thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp với những điều kiện hội nhập của Việt Nam.
Trước đây, khi chưa là hội viên chính thức của VCCI nhưng chúng tôi cũng đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với VCCI. Chúng tôi cùng tham gia, vận động cơ chế, chính sách của nhà nước trong các lĩnh vực như xuất, nhập khẩu, hải quan, thuế, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, tiền lương…
Chúng tôi cho rằng, với vai trò dẫn dắt của VCCI, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là VCCI và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đạt nhiều kết quả, tạo nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều kiện sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế hiện nay có nhiều thay đổi, đặc biệt là những yêu cầu của nước nhập khẩu. Ví dụ, ngành dệt may yêu cầu xuất xứ của Hiệp định CPTPP từ sợi trở đi. Với EVFTA từ vải trở đi. Đây là những khó khăn đối với doanh nghiệp dệt may.
>>VCCI lắng nghe khuyến nghị từ các hội viên mới
>>VCCI và sáu định hướng triển khai trong 2022
>>Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao
Liên quan đến xuất, nhập khẩu hoàn thuế giá trị gia tăng cũng là vấn đề Hiệp hội Dệt may Việt Nam quan tâm. Một số luật như Bảo hiểm xã hội, công đoàn… có nhiều bất cập phải thay đổi, cần có sự chung tay giữa các hiệp hội và sự dẫn dắt của VCCI để có thể đạt được điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp.
-Ông vừa có nêu ra một số khó khăn của Hiệp hội Dệt may Việt Nam khi tham gia vào CPTPP, EVFTA liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hoá. Vậy, ông có đề xuất gì với VCCI để cùng hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may?
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đưa ra những yêu cầu rất khắt khe. Theo tôi, đây là những khâu mà hiện nay dệt may Việt Nam còn đang yếu. Do đó, tôi hy vọng với vai trò của VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước đề xuất với Chính phủ có thể quy hoạch những khu công nghiệp dệt may lớn để có trung tâm xử lý nước thải, khi đó địa phương mới yên tâm cấp phép.
Vấn đề vướng mắc lớn nhất của ngành dệt may là các địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường, cho nên không “mặn mà” với các dự án dệt nhuộm.
Nếu giả sử chúng ta không giải quyết được khâu nguyên liệu như sợi, vải thì sẽ không được hưởng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA.
Đây không phải vì quyền lợi của doanh nghiệp, mà vì lợi ích quốc gia. Vì khi ký các hiệp định thương mại tự do chúng ta đều phải có sự đánh đổi. Ví dụ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may, da giày xuất khẩu và thu lợi từ thuế quan mang lại, chúng ta cũng phải đánh đổi một lĩnh vực nào đó để chấp nhận yêu cầu từ các nước tham gia hiệp định.
Cho nên, nếu không giải quyết được bài toán về nguyên, phụ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ thì chúng ta phải nhận thua thiệt về mình.
Chúng tôi cũng đã lên tiếng, và bây giờ rất cần có tiếng nói của VCCI, bởi vì VCCI có rất nhiều cơ hội để có thể kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có những quy định phù hợp với từng ngành cũng như chung cho cả nền kinh tế.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
VCCI sẽ tạo ra sự “khác biệt” cho các hội viên
17:24, 10/08/2022
VCCI lắng nghe khuyến nghị từ các hội viên mới
13:38, 10/08/2022
VCCI và sáu định hướng triển khai trong 2022
18:03, 30/07/2022
Kiện toàn cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VCCI
11:43, 24/07/2022
Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao
11:01, 24/07/2022
Phát huy hệ thống báo chí, truyền thông VCCI
22:41, 23/07/2022