Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn
Văn hóa vừa là “chân ga”, vừa là “chân phanh” giúp doanh nghiệp không tuột dốc quá sâu, trụ lại, để tìm ra cơ hội mới.
>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED chia sẻ về cái gốc xây văn hóa doanh nghiệp.
TS. Giản Tư Trung nhắc lại câu nói: “khi tất cả các yếu tố đều mất đi thì thứ còn lại là văn hóa”. Dù không hiện diện trực tiếp như các tài sản cố định, thương hiệu, hệ thống phân phối… nhưng văn hóa có vai trò rất đặc biệt: “Vừa là chân ga, vừa là chân phanh” trên đường đua trường tồn.
Theo TS. Giản Tư Trung, có rất nhiều doanh nghiệp đã xây và muốn xây văn hóa doanh nghiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp thành công. Lý do gốc rễ là doanh nghiệp chưa hiểu thấu thế nào là văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa HĐQT với văn hóa doanh nghiệp và cách nào để kiến tạo văn hóa doanh nghiệp mà giới chủ mong muốn. “Khi đã hiểu thì xây không khó. Khi không hiểu thì xây mãi không được”, TS. Giản Tư Trung.
Dẫn câu nói thường ngày: “Ba mẹ mong con sau này thành người. Thầy cô mong con sau này thành người. Nhưng thế nào là thành người? “Câu hỏi ngây ngô ấy lại là câu hỏi quan trọng nhất của triết học. Và đó cũng là cội nguồn của văn hóa”, TS. Giản Tư Trung chia sẻ.
Văn hóa như TS. Giản Tư Trung định nghĩa, phải được xây từ 4 yếu tố. Tam tính (nhân tính, Quốc tính, Cá tính); Tam bề (Bề trong, Bề trên, Bề ngoài); Tam lớp (Lớp lõi, Lớp giữa, Lớp ngoài); Tam đạo (Đạo học, Đạo sống, Đạo nghề).
Trong tổ chức công ty, TS. Giản Tư Trung định nghĩa văn hóa HĐQT là văn hóa của “ông chủ”. Văn hóa ông chủ chính là cách sống và cách làm người của ông chủ. Bởi làm ăn cũng là làm người.
Làm ăn là một phần của làm người. Vì thế, nhìn vào cách làm ăn của ai đó sẽ đoán biết phần nào người đó là người như thế nào. Văn hóa ông chủ quyết định văn hóa lãnh đạo. Và văn hóa lãnh đạo định hình văn hóa doanh nghiệp.
Vẫn theo TS. Giản Tư Trung, có nhiều tổ chức muốn xây dựng văn hóa nhưng rất ít tổ chức xây dựng thành công, bởi 5 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của tổ chức.
Thứ hai, thiếu giấc mơ rõ ràng về văn hóa mà mình muốn.
Thứ ba, thiếu phương pháp khoa học để xây dựng văn hóa.
Thứ tư, thiếu giải pháp cụ thể để xây dựng văn hóa.
Thứ năm, thiếu nỗ lực bền bỉ trong hành trình văn hóa.
>>“Giảm lượng, tăng chất” để giá trị doanh nhân được cộng đồng công nhận
>>Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu
>>Doanh nhân tiêu biểu tạo động lực các thế hệ khởi nghiệp kinh doanh
Trong 5 nhân tố trên, nguyên nhân cốt lõi chính là thiếu nhận thức về văn hóa. Có nhiều doanh nghiệp quá chú trọng đến văn hóa bản sắc, mà không quan tâm đến văn hóa nền tảng.
“Văn hóa không phải là thứ cất ở trong kho, trong tủ, mà là con người. Khi bản sắc văn hóa không được xây dựng bởi chính con người, thì cách gì cũng không thành công”, TS. Giản Tư Trung nhận định.
Chúng ta xây dựng cá tính trên nền tảng của nhân tính. Xây dựng văn hóa bản sắc trên văn hóa nền tảng. Vậy văn hóa nền tảng là gì? Mỗi HĐQT sẽ chọn cho mình những giá trị khác nhau, nhưng tựu trung ở 3 nền tảng cơ bản.
Văn hóa hiệu quả. HĐQT hiệu quả, lãnh đạo hiệu quả, nhân viên hiệu quả; Văn hóa chính trực; Văn hóa sống và làm việc hạnh phúc. Từ 3 nền đó, doanh nghiệp có thể chọn xây bản sắc gì cũng được và sẽ thuận với thành công.
“Một doanh nghiệp thành công thì lãnh đạo tối cao không phải là con người, mà phải là một hệ thống giá trị. Đây là cách một doanh nghiệp tiến bộ nên vận hành”. TS. Giản Tư Trung khuyến nghị và gợi mở cách xây cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp gồm 4 yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là hệ giá trị mà doanh nghiệp hướng tới. Thứ hai là giới chủ (HĐQT). Thứ ba là lãnh đạo (Ban tổng giám đốc và các nhân sự quản lý) và thứ tư là đội ngũ nhân lực.
“HĐQT chỉ vận hành đúng nghĩa nếu trên đầu HĐQT có một hệ giá trị đủ mạnh. Vì quyền lực mà không có kiểm soát thì nhẹ là lạm quyền, nặng là lộng quyền, hơn nữa là chuyên quyền”, TS. Giản Tư Trung nhấn mạnh.
Xu hướng quốc tế hiện nay là phát triển mô hình “company values” và lấy đó làm lãnh đạo tối thượng. Không có gì đứng trên nữa. Ở những doanh nghiệp như vậy, HĐQT ra lệnh cho người dưới quyền, nhưng nếu lệnh đó trái với giá trị công ty, người được giao việc có quyền từ chối. Một HĐQT như vậy tuân thủ theo nguyên tắc: ai đúng không quan trọng, mà cái gì đúng mới quan trọng.
Hạnh phúc đích thực và lớn nhất của người lãnh đạo là có được những người cộng sự thay đổi được quyết định của mình. Trong cuộc họp quan trọng nhất là “Cái gì đúng”, chứ không phải “Ai đúng”. Lấy được chất xám của người khác mới là cách quản trị thông minh nhất cho doanh nghiệp trường tồn”, TS. Giản Tư Trung bày tỏ.
Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022. Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. |
Có thể bạn quan tâm
Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
13:00, 08/08/2022
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022: Giảm lượng tăng chất
21:06, 02/08/2022
“Giảm lượng, tăng chất” để giá trị doanh nhân được cộng đồng công nhận
03:16, 02/08/2022
Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu
00:50, 31/07/2022
Doanh nhân tiêu biểu tạo động lực các thế hệ khởi nghiệp kinh doanh
14:33, 30/07/2022
Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là thông điệp về đóng góp của doanh nhân
11:00, 30/07/2022
Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
10:00, 30/07/2022