Văn hoá, đạo đức là cốt cách, nền tảng bảo vệ doanh nghiệp

NGUYỄN VIỆT 16/08/2022 03:07

Văn hóa doanh nghiệp là cốt cách, hình hài, nền tảng vững chắc xây dựng, bảo vệ doanh nghiệp phát triển bền vững.

>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lý

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Quang

Theo ông Hồ Anh Tuấn, doanh nghiệp thường xem việc xây dựng và quảng bá thương hiệu là nhân tố quan trọng để tạo nên sự khác biệt với đối thủ. Nhưng hiểu sâu xa, thương hiệu không đơn giản là vật phẩm nhận diện như logo, bao bì, nhãn mác…

Mà còn chứa đựng “cái hồn” của doanh nghiệp trong việc thể hiện hình ảnh, màu sắc, ngôn từ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cái hồn ấy xuất phát từ giá trị, niềm tin, nguyên tắc trong văn hóa của doanh nghiệp. 

“Văn hóa chính là bản sắc riêng của doanh nghiệp, thể hiện tính cách, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Không bao giờ có hai công ty cùng một bản sắc văn hóa. Vì vậy, văn hoá làm nên tính cách doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp sẽ được biết đến qua bản sắc của mình”, ông Hồ Anh Tuấn khẳng định.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công thì dễ dàng tạo được khối đoàn kết nội bộ, kết hợp những cá nhân khác biệt thành một đội ngũ, với những con người có phẩm chất, phong cách sống, niềm tin, thái độ khác nhau nhưng đều có mục tiêu là thể hiện bản thân qua công việc. Khi tổ chức phát triển, họ cũng được phát triển, khi mục tiêu của doanh nghiệp đạt được thì bản thân họ cũng thành công. 

Ngược lại, những công ty chưa quan tâm phát triển văn hóa doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân khách hàng, kết nối với đối tác, cũng như bảo đảm sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Trong đại dịch Covid-19, những công ty có sẵn nền tảng văn hoá không những tồn tại mà còn linh hoạt thích ứng, biến mối nguy thành cơ hội phát triển.

>>Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

>>Doanh nhân Việt và sứ mệnh “vượt trước”

>>Xây dựng chương mới về Doanh nhân Việt Nam

Vẫn theo ông Hồ Anh Tuấn, văn hoá doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Chúng ta đều biết, người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì việc nội bộ tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. 

Trong đại dịch, người lao động bị căng thẳng và lo lắng về công việc, sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ xã hội. Do đó, chế độ phúc lợi, sự quan tâm, chia sẻ của chủ doanh nghiệp cả về vật chất lẫn tinh thần có giá trị hơn bao giờ hết.

Về phía người lao động, khi được chủ doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi để cuộc sống ổn định dù là mức tối thiểu cũng giúp họ có động lực tận tâm cống hiến cho doanh nghiệp.

“Người Việt vốn giàu tình cảm, thích đùm bọc lẫn nhau. Không chỉ có khát vọng vươn lên, chúng ta còn có tinh thần kiên định vượt qua nghịch cảnh. Khi công cuộc tái thiết bắt đầu, giới chủ xây dựng được văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ giảm thiểu sự đứt gãy nguồn nhân lực”, ông Hồ Anh Tuấn bày tỏ.

Do đó, theo ông Hồ Anh Tuấn, văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, đồng thời giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp cả trong hoàn cảnh bình thường lẫn khủng hoảng. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp cũng là cốt cách, hình hài, là nền tảng vững chắc xây dựng, bảo vệ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    04:36, 15/08/2022

  • Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn

    04:00, 12/08/2022

  • Văn hóa kinh doanh cần đi trước văn hóa quản lý

    03:43, 11/08/2022

  • “Vàng thau” lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa

    13:17, 09/08/2022

NGUYỄN VIỆT