PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá
Tại PNJ, để có được những thành công hiện tại, yếu tố cốt lõi dẫn dắt là nền tảng con người và văn hoá doanh nghiệp.
>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
Chủ tịch CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ về sự mạnh mẽ "vượt bão", vững bước tăng trưởng của PNJ.
Thực tế, là một doanh nhân thâm niên và có tầm ảnh hưởng, Chủ tịch PNJ vẫn thường nhấn mạnh yếu tố con người tại các diễn đàn giao lưu kinh tế. Trong đó, con người chính là văn hoá, và văn hoá lại chính là nền tảng để phát triển bền vững, bao gồm nhiều yếu tố khác gồm thể chế, quy định…
“Gần đây, chúng ta còn nghe nói rất nhiều về thuật ngữ ESG trong quản trị. Và không phải ngẫu nhiên, PNJ đã có sẵn giá trị đó ngay từ ngày đầu, đồng thời liên tục nâng tầm", nữ tướng tự hào cho hay.
ESG (Environmental, Social and Governance Criteria) được hiểu như bộ Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị; là một bộ các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của một công ty mà nhà đầu tư có ý thức xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng. Và trong đó, con người phải là trung tâm, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta có được một nhân tố tốt? Tức, làm sao để con người đó có được văn hoá nền tảng về chuyên môn nghiệp vụ, được trau dồi, huấn luyện. Đặc biệt, làm sao mỗi người trong tổ chức phải có chung một triết lý là đặt lợi ích xã hội, của khách hàng vào chung lợi ích của doanh nghiệp?
"Chúng tôi không bị thiếu nhân lực, vì PNJ luôn biết nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Lấy ví dụ năm 2020, vừa hết đợt dịch bệnh đầu tiên xong thì Công ty đã có đợt cho nhân viên đi nghỉ dưỡng để phục hồi thể lực, tinh thần. Trong năm, chúng tôi cũng luôn có những lớp đào tạo, hội thảo để từ đó có thể duy trì tinh thần của cán bộ công nhân viên (CBCNV). Và đặc biệt, PNJ không giảm lương cũng như thu nhập của người lao động, dù trong bất kỳ trường hợp bất khả kháng nào", Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung khẳng định.
Thậm chí, thời gian qua PNJ còn ứng trước lương khi nhiều anh em lao động gặp khó khăn. Bởi, trả lương cho CBCNV giai đoạn này theo quan điểm ban lãnh đạo PNJ là không hề phung phí, vì thực tế mọi người vẫn hoạt động 100%.
Khi giữa cao điểm dịch bệnh, PNJ có mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên điêu khắc, còn với đội ngũ bán hàng thì huy động các bạn có thể tham gia chương trình Siêu thị 0 đồng.
>>Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022
>>“Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp
>>Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc
Chúng tôi thay thế công việc hàng ngày bằng hình thức học tập, trau dồi năng lực. Từ đó, CBCNV không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tâm lý tiêu cực, ngược lại vẫn có thể gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với nhau. Tín hiệu đáng mừng là năng suất của mọi người thậm chí cao hơn bình thường.
“Theo tôi, dù dịch bệnh nhiều khó khăn thì bản thân tôi cảm thấy trả lương cho nhân viên là rất xứng đáng, và người lao động cũng thấy vui và tinh thần không hề đi xuống. Hiện, các bạn đang rất tích cực và tự thân nỗ lực để có thể đền đáp công ty", Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nói.
Mặt khác, PNJ cũng lo cả vật chất tinh thần cho gia đình của nhân viên. Dịch bệnh căng thẳng, PNJ đã có thuốc, oxy dự trữ sẵn để có thể hỗ trợ nhân viên cũng như gia đình của họ trong lúc nguy cấp.
Chính điều này nói lên tình cảm của Công ty với người lao động, nên có nhiều bạn dù F0 nhưng vẫn xung kích để được góp sức đưa những gói thuốc cho các khu vực, không chỉ trong TP. HCM mà cả các tỉnh miền Tây.
"Nói chung, quan trọng nhất vẫn là nền văn hoá PNJ đã xây dựng từ rất lâu. Để rồi hôm nay, trước cơn khủng hoảng, PNJ không thiếu người".
Không chỉ vậy, hàng năm HĐQT đều có những kế hoạch, chương trình xuyên suốt từ cấp điều hành và đưa xuống đến bộ phận chuyên môn. Đồng thời cũng có KPI để đo lường những hoạt động này. Mỗi năm, PNJ đều đánh giá lại để năm sau làm tốt hơn.
"Nhìn chung, chúng tôi chưa hoàn hảo nếu so sánh với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng PNJ đang hướng đến điều này, mong muốn là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong viết ra những quy chuẩn minh bạch, rõ ràng", Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung bày tỏ.
Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022. Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. |
Có thể bạn quan tâm
“Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp
03:15, 18/08/2022
Tấm gương văn hoá bắt đầu từ người đứng đầu
00:44, 17/08/2022
Văn hoá, đạo đức là cốt cách, nền tảng bảo vệ doanh nghiệp
03:07, 16/08/2022
Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc
04:36, 15/08/2022
Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn
04:00, 12/08/2022
Văn hóa kinh doanh cần đi trước văn hóa quản lý
03:43, 11/08/2022