Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu thiếu đạo đức

NGUYỄN VIỆT 22/08/2022 03:03

Nếu thiếu yếu tố đạo đức, doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại trên thị trường ở bất kỳ thời điểm hay hình thái kinh tế xã hội nào.

>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định về vai trò của văn hóa, đạo đức trong sự phát triển doanh nghiệp.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thành Nam

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thành Nam

Theo ông Lê Như Tiến, đạo đức, văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững.

"Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong. Họ là vị nhạc trưởng quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Họ là người trực tiếp xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng quy trình, tổ chức, điều hành hoạt động, tạo uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp", ông Lê Như Tiến nói.

Vẫn theo ông Lê Như Tiến, cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Nói cách khách, văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời văn hóa dân tộc. Doanh nghiệp, doanh nhân bao giờ cũng là sản phẩm của văn hóa, đồng thời văn hóa là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững. Bởi vậy, văn hóa doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì hệ văn hóa đặc thù của doanh nghiệp mình để phát huy năng lực và thúc đẩy, đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt mục tiêu chung.

>>Nền tảng văn hóa tạo dựng doanh nghiệp kiên cường

>>PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá

>>“Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp

"Thông qua hình ảnh có văn hóa cả doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Do đó, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Nội hàm của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân theo ông Lê Như Tiến được bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi sau: Lao động hết mình, tạo những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, cho doanh nghiệp và mỗi thành viên; Đoàn kết gắn bó vì lợi ích chung, tạo nên chất keo gắn kết giữa doanh nhân và người lao động; Biết tuân thủ pháp luật và các cam kết quốc tế; Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

“Nhận diện đầu tiên để đánh giá doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con - Cháu - Các - Cụ Cả, để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố - Điều - Đi - Đâu - Được”.

Ông Lê Như Tiến thẳng thắn trước câu hỏi: “Nếu chúng ta vẫn duy trì hình thức cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp theo kiểu: Quan hệ- Tiền tệ- Hậu duệ- Đồ đệ rồi mới đến Trí tuệ thì rốt cục đơn vị đó sẽ đi tới đâu? Đó có phải là một kiểu xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam hay nó mang tính giai đoạn?”. 

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

Có thể bạn quan tâm

  • Văn hoá, đạo đức là cốt cách, nền tảng bảo vệ doanh nghiệp

    03:07, 16/08/2022

  • Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    04:36, 15/08/2022

  • Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn

    04:00, 12/08/2022

  • Văn hóa kinh doanh cần đi trước văn hóa quản lý

    03:43, 11/08/2022

NGUYỄN VIỆT