Đạo đức kinh doanh làm nên cốt cách doanh nghiệp

NGUYỄN VIỆT 29/08/2022 02:08

Môi trường làm việc văn hóa có sức hút cao đối với những người có tài, có năng lực chuyên môn.

>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Người lao động làm việc không chỉ vì tiền lương, mà còn vì môi trường làm việc trong lành, dễ chịu, họ cảm thấy được tôn trọng, có cơ hội thăng tiến và hoàn thiện bản thân.

GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Sỹ

GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Sỹ

GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ về đạo đức, văn hóa là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp.

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.

Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung. Trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, thường tập hợp nhiều thành viên là những người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, năng lực, tính cách… tạo nên một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp.

Muốn tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, xây dựng và duy trì một môi trường văn hóa mà ở đó các thành viên đều có những giá trị chung để chia sẻ và đồng thuận, cùng hướng đến mục tiêu chung.

Đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp bởi các yếu tố sau.

Thứ nhất, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp, như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, cách ứng xử... được định hình trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo nên hình ảnh và uy tín cho doanh nghiệp. Uy tín càng cao, hình ảnh càng thân thiện, có sức lôi cuốn thì càng bảo đảm sự ổn định và tăng trưởng cho doanh nghiệp. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình quý giá và trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

>>“Phần hồn” của doanh nghiệp

>>Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

>>“Vũ khí” cạnh tranh thời 4.0

>>Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu thiếu đạo đức

Thứ hai, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Không một thương hiệu mạnh nào không dựa trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Thương hiệu là kết quả hội tụ của toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phong cách ứng xử với đối tác, khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong tâm trí công chúng và cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa là cơ sở cho sự phát triển lâu bền.

Thứ ba, tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện, tích cực là những yếu tố quan trọng để khơi nguồn các ý tưởng sáng tạo. Ở đó, các cá nhân được khuyến khích đề xuất các sáng kiến, sáng chế; những ý kiến tranh luận, phản biện được tôn trọng, lắng nghe; các cải tiến, sáng tạo, làm mới được xem xét, ủng hộ; những thành công, đóng góp được ghi nhận và đãi ngộ xứng đáng... Tất cả những điều đó tạo động lực làm việc cho nhân viên, kích thích sự đổi mới và sáng tạo, tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.   

Thứ tư, thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiến cho các cá nhân cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung, tạo nên lực hướng tâm chung cho toàn doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng tạo nên tác phong làm việc tích cực, tự giác, năng động, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc.

Môi trường làm việc văn hóa có sức hút cao đối với những người có tài, có năng lực chuyên môn. Người lao động làm việc không chỉ vì tiền lương, mà còn vì môi trường làm việc trong lành, dễ chịu, họ cảm thấy được tôn trọng, có cơ hội thăng tiến và hoàn thiện bản thân. Môi trường và điều kiện làm việc tốt cũng tạo nên sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp, tình trạng bỏ việc, “nhảy việc” ít diễn ra.

Thứ năm, tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác. Đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, bộc lộ không chỉ qua chất lượng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, mà còn qua quá trình tiếp xúc, giao dịch, hợp tác, thái độ phục vụ khách hàng. Chính tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ chữ tín, tôn trọng đối tác sẽ đem lại sự hài lòng, tin tưởng và dẫn đến sự hợp tác lâu dài, gắn bó của đối tác và khách hàng với doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Nền tảng văn hóa tạo dựng doanh nghiệp kiên cường

    01:37, 21/08/2022

  • PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá

    02:36, 19/08/2022

  • “Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp

    03:15, 18/08/2022

  • Tấm gương văn hoá bắt đầu từ người đứng đầu

    00:44, 17/08/2022

  • Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    04:36, 15/08/2022

  • Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn

    04:00, 12/08/2022

NGUYỄN VIỆT