Sinh tồn của doanh nghiệp

PHAN NAM thực hiện 02/09/2022 01:47

Phát triển bền vững không còn là câu chuyện xa vời của những doanh nghiệp lớn, mà giờ đây đã trở thành câu chuyện sinh tồn của tất cả doanh nghiệp.

>>>CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh nhằm tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Xu hướng này cũng được đẩy mạnh hơn qua các đợt dịch COVID-19 vừa qua.

- Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đảm bảo yêu cầu các hiệp định FTA thế hệ mới để phát triển bền vững (PTBV) là yêu cầu cấp thiết, thưa ông?

Thực tiễn, trong các FTA Việt Nam tham gia thì đều có nội dung và các yêu cầu liên quan đến thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, ví dụ như EVFTA đã xây dựng riêng Chương 13 về Thương mại và PTBV.

Trong hơn 10 năm qua, VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc kiến nghị xây dựng chính sách cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là đã góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy kinh doanh, theo đuổi và thực thi chiến lược kinh doanh bền vững thông qua những hoạt động của VBCSD nói chung và Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) nói riêng.

Riêng đối với việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), ngày càng có nhiều DN tại Việt Nam quan tâm đến mô hình kinh doanh ưu việt này. Theo Báo cáo Đánh giá thực trạng, tiềm năng thực hiện KTTH trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam – Nhóm hàng thực phẩm và đồ uống không cồn do VBCSD-VCCI công bố tháng 1/2022, 90% các doanh nghiệp trong nhóm này đã tiến hành chuyển đổi sang mô hình KTTH. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đang chuyển đổi ở mức độ thấp với 82% doanh nghiệp chuyển đổi ở mức độ sơ khai và trung bình. Tỷ lệ các doanh nghiệp có mức chuyển đổi nâng cao đạt 8%.

- Mới đây, VCCI đã đề xuất xây dựng Luật KTTH, phải chăng chúng ta đang thiếu nền tảng, hành lang pháp lý thúc đẩy và đảm bảo thực thi KTTH, thưa ông?

Việt Nam đã đưa nội dung về triển khai thực hiện KTTH là một trong những Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và được quy định tại Điều 142 về KTTH của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Xây dựng KTTH được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

 Mục tiêu tăng trưởng xanh theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng xanh theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Nhìn ra thế giới, có thể thấy nhiều quốc gia đã cải tiến hệ thống pháp luật để thúc đẩy hiệu quả hơn việc xây dựng KTTH. Trung Quốc, Đức, Phần Lan, Pháp... đều đã xây dựng những đạo luật riêng hoặc lộ trình cụ thể với để mở đường cho KTTH.

Tại Việt Nam, để KTTH thực sự đi vào thực tiễn và có hiệu quả, các hướng dẫn, quy định cụ thể hiện đang được xây dựng, và VCCI đề xuất cần thiết hướng tới một Luật riêng về ứng dụng mô hình này. Chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo các bộ luật về KTTH đã được các quốc gia khác áp dụng.

>>>CSI hỗ trợ nắm bắt cơ hội kinh doanh mới

Chính phủ cũng nên cân nhắc việc lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình KTTH, đề ra lộ trình thích hợp với các chỉ tiêu cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện. Những nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật KTTH cũng cần trang bị một tư duy "chuyển đổi hệ thống" bao quát và toàn diện, từ đó mới có thể tiếp cận và triển khai KTTH thực sự hiệu quả.

- Thưa ông, ngoài khuôn khổ pháp lý, theo ông, cần có những hành động nào để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện KTTH tích cực hơn nữa?

Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp và quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, rất cần thiết có sự chung tay chặt chẽ của các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ kiến tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, từ đó tạo điều kiện dễ dàng cho việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển bền vững trong xã hội. doanh nghiệp với nguồn lực dồi dào, sự năng động, tiềm năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ sẽ tạo đà và đẩy nhanh tốc độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Với việc hứa hẹn mang lại giá trị hơn 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, và có khả năng tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới, bền vững, áp dụng KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. VCCI đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp từ rất sớm, tiêu biểu là VBCSD-VCCI đã khởi xướng Sáng kiến Hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam từ năm 2018.

Chúng tôi cũng đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những hướng dẫn để chuyển dịch từ mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua ấn phẩm Chỉ tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn (CTI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) biên soạn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số nền nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững

    11:00, 24/08/2022

  • Nền kinh tế tuần hoàn: Bước đệm phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    09:42, 23/08/2022

  • Thế kỷ 21 là thế kỷ của quản trị công ty và phát triển bền vững

    11:16, 20/08/2022

  • Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

    14:12, 19/08/2022

  • “Cánh cửa” giúp doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững

    15:51, 16/08/2022

PHAN NAM thực hiện