Thay đổi nhận thức về vai trò của doanh nhân
Doanh nhân cần được xã hội ngưỡng mộ, tôn vinh, như là “nhân vật trung tâm” của thời kỳ phát triển mới của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”
Trong đó, đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại cuộc làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09 Trần Tuấn Anh với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 15/9.
Thay đổi nhận thức về vai trò của doanh nghiệp
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong quá trình đổi mới, việc xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm.
“Nhiều chủ trương, chính sách giải pháp được đưa ra và thực thi trong đó có Nghị quyết 09-NQ/TW đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức triển khai.
Trong giai đoạn 2011-2021, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và 72 luật, pháp lệnh, nghị quyết có nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Từ đó, hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các loại thị trường tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân.
Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định quan trọng như: Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018 và sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP các năm 2019, 2020 và 2021, Nghị quyết số 35/NQ-CP… để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
>>Nghị quyết 09: Nam Định chọn con đường và bước đi riêng
>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”
>>Doanh nghiệp Đăk Lăk kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến Nghị quyết 09
Việc triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trong Nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Vai trò, vị trí của doanh nhân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân.
Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
Cụ thể, doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng mạnh. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước lũy kế đến hết năm 2021 là 1.699.194 DN. Trong đó, chỉ tính trong 11 năm, từ năm 2011 đến 2021 đã có 1.152.126 DN, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001-2011, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này có gần 104.739 DN được thành lập.
Cùng với sự tăng lên về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn trong các doanh nghiệp này cũng tăng lên trong giai đoạn 2011-2021, đạt khoảng 11.655,5 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 1.059,6 nghìn tỷ đồng (tăng 12,11%/năm).
Số lao động đăng ký trong doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm có 1.145.675 lao động. Ngoài ra, trong giai đoạn 2013-2021 có khoảng 535.897 DN rút khỏi thị trường, bình quân số doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi năm khoảng 59.544 DN.
Tình hình phát triển doanh nghiệp đang hoạt động cũng có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp hoạt động của cả nước tăng 3 lần từ con số 279.360 DN vào năm 2010, lên 857.559 DN tính đến 31/12/2021. Khu vực doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 14.702.546 lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm); tương tự, vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này.
Quy mô bình quân doanh nghiệp đang hoạt động đến hết năm 2020 theo yếu tố vốn và doanh thu tăng so với năm 2011, lần lượt là 67,60 tỷ đồng/DN (so với 33,39 tỷ đồng/DN) và 40 tỷ đồng/DN (so với 31,73 tỷ đồng/DN), nhưng lại giảm nếu xét theo yếu tố lao động, bình quân chỉ là 21,5 lao động/DN (so với 33,56 lao động/DN).
Về tình hình xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam, với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học. Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế, trình độ tiếng Anh của các doanh nhân được cải thiện.
Kiến thức, kỹ năng kinh doanh của doanh nhân đã được cải thiện rõ rệt, trong đó đáng chú ý nhất là các kiến thức về chuyển đổi số. Rõ ràng, với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng bắt buộc của các DN trong những năm gần đây, chính vì vậy mà các doanh nhân cũng phải cập nhật trang bị các kiến thức này.
Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều DN đầu ngành có quy mô và nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất ô tô, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, thủy sản, nông sản ...
Về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thể hiện trên các phương diện:
Kinh tế, với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước.
Chính trị, doanh nhân không chỉ tham gia với tư cách công dân, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, nhất là về lĩnh vực kinh tế, mà còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của các địa phương, của đất nước trong việc xây dựng, góp ý, giám sát, phản biện, quyết định chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, có doanh nhân là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Xã hội, doanh nhân là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Sự ra đời, phát triển, lớn mạnh của doanh nhân góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, trong đó, doanh nhân là một bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc; doanh nhân là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế, xã hội giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà máy, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà nông. Hơn nữa, doanh nhân, doanh nghiệp còn trực tiếp tham gia thực hiện nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, trong đó có hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.
Về văn hóa, doanh nhân Việt Nam hiện nay kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực nỗ lực xóa đói, thoát nghèo, vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân đã tạo ra những phẩm chất, giá trị văn hóa, lối sống mới: tự lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đất nước.
Chú trọng 3 giải pháp đột phá
Doanh nhân được xã hội ngưỡng mộ, tôn vinh, như là “nhân vật trung tâm” của thời kỳ phát triển mới của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít người, nhất là giới trẻ; họ nuôi khát vọng, ý chí làm giàu, dấn thân, lập thân lập nghiệp, cống hiến bằng con đường kinh doanh.
Tóm lại, hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch Covid-19 thể hiện rất rõ.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, tồn tại: vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết ... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân.
Qua hơn 35 năm đổi mới, tình hình đất nước, vị thế, tiềm lực, uy tín của đất nước khác nhiều so với 10 năm trước. Bối cảnh quốc quốc tế cũng có những đổi thay to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự đan xen thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong bối cảnh mới đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới, nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kể cả việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.
Và với tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021): “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy cần thiết triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó, chú trọng 3 giải pháp đột phá.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân.
Vì vậy, để xây dựng đội ngũ doanh nhân VN lớn mạnh về số lượng và chất lượng như NQ ĐH XIII của Đảng đề ra, đề nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương, định hướng và quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới, Xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân VN. Đảm bảo doanh nhân VN có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…
Có thể bạn quan tâm
“Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình
00:36, 10/09/2022
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cụ thể hoá Nghị quyết 09 bằng nhiều sáng kiến
19:25, 09/09/2022
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đốt ngọn lửa nhỏ để tạo ra ánh lửa hồng!
16:18, 08/09/2022
Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu
00:11, 08/09/2022
Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch
00:09, 07/09/2022
Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá
01:03, 03/09/2022