Doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu
Cần có sự bắt tay giữa các bên liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cùng với đó là chiến lược định vị được doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Đây là những mục tiêu quan trọng được Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa đưa ra tại Diễn đàn đa phương MSF 2022 với chủ đề “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao Năng lực và Trách nhiệm thẩm định/tra soát” vừa được VCCI, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung phối hợp tổ chức.
- Thưa ông, Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều lợi thế trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra?
Trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang có một số lợi thế. Việt Nam với 15 Hiệp định thương mại tự do FTAs đã được ký kết, trong đó có các hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới vô cùng quan trọng như ASEAN-AEC, CPTPP, EVFTA, RCEP… được coi là có điều kiện thuận lợi để hội nhập với kinh tế thế giới. Chính phủ cũng rất nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế, nền kinh tế đang trở nên năng động hơn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Kết quả thấy rõ, tính đến tháng 9 năm nay, tăng trưởng GDP cao ở mức 8,83% và chúng ta đang nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2022 tăng kỷ lục so với 5 năm vừa qua, đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD (thực hiện đạt hơn 15 tỷ USD, đạt trên 82%).
- Thành công trong thu hút FDI này có tương đồng với việc doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị không, thưa ông?
Cũng phải thừa nhận, khả năng tham gia của Việt Nam vẫn được đánh giá là thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong các chuỗi sản xuất và cung ứng, Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp, chủ yếu tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp… với giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn bị hạn chế về vốn, công nghệ và quản lý, hạn chế về năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đáng lưu ý, Nghiên cứu “Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam” mà VCCI vừa công bố cho thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn “mù mờ” về định hướng cũng như chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, trong 500 công ty xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo được khảo sát thì có tới 53,3% doanh nghiệp cho biết không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có tới 64,7% doanh nghiệp khảo sát chưa có chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 15,3% có chiến lược tổng thể trong dài hạn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp thiếu sự định hướng rõ ràng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung vào "phần ngọn" hơn là giải quyết các vấn đề “phần gốc” mang tính dài hạn, như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro...
- Như vậy, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta cần có chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa ông?
Trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện và theo đuổi chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Chúng ta cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách thu hút FDI và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước trong thời gian qua để định hướng chính sách trong thời gian tới.
Trong quá trình đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan để có thể từng bước khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp trong nước đầu tư, tích lũy về vốn và kinh nghiệm, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực quản trị và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu theo với giá trị gia tăng lớn hơn và bền vững hơn.
Nhà nước cần có kế hoạch và nguồn lực để có thể thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các các giải pháp về nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công tác đánh giá tác động của các chính sách trên cũng cần bài bản và toàn diện, từ đó có những điều chỉnh kịp thời.
- Tăng cường mở cửa, hợp tác với các công ty đa quốc gia là một trong những điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?
Các công ty đa quốc gia có vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản trị, năng lực tiếp cận thị trường, nghiên cứu và phát triển.
Chính vì vậy, chúng ta cần có sự “bắt tay” hợp tác giữa Chính phủ, các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Đặc biệt, phải phát huy hơn nữa vai trò kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Định vị chuỗi cung ứng Việt
03:00, 23/10/2022
Quản trị chuỗi cung ứng thực phẩm
04:30, 18/10/2022