Tạo khung khổ pháp lý bền vững cho đạo đức doanh nhân

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 08/11/2022 05:01

Nói đến đạo đức là nói đến những nguyên tắc về sự đúng đắn, chính đáng theo quan niệm phổ biến của các thành viên trong cộng đồng.

Cũng có nghĩa, bên cạnh những tính toán gia tăng lợi ích cho bản thân, mỗi doanh nhân cần phải có ý thức về trách nhiệm xã hội.

>>Doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần dân tộc vì quốc gia hùng cường, thịnh vượng

Tối đa hóa lợi ích là nhu cầu chính đáng của các chủ thể tham gia nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tính chính đáng của lợi nhuận sẽ giảm, hoặc lợi ích giành được sẽ trở thành không chính đáng, không còn đúng đắn nếu doanh nhân gia tăng lợi ích bằng mọi giá, bất chấp các quy định pháp lý và giá trị đạo đức. Cũng có nghĩa, để vun đắp được vị thế doanh nhân thì kinh doanh cần phải tôn trọng những giới hạn đạo đức đặc biệt.

Nền tảng đạo đức kinh doanh

Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nối dài danh sách các doanh nhân nổi tiếng vướng vòng lao lý trong năm 2022. Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC, cũng bị bắt và khởi tố bởi hành động bán chui số lượng lớn cổ phiếu. Tương tự, ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng bị khởi tố, điều tra vì những cáo buộc gian dối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ đầu năm 2022 đến nay, dư luận dậy sóng, bức xúc trước những động thái kinh doanh thiếu đàng hoàng. Một nền kinh tế thị trường sẽ không thể phát triển lành mạnh, bền vững nếu có những doanh nhân coi việc kinh doanh như trò đùa, đấu thầu với giá cao rồi “bỏ chạy”.

Tương tự là hành động bán chui cổ phiếu với những tính toán thiển cận. Mới đây nhất là hiện tượng bất chấp đạo lý khi nhân viên một số ngân hàng thương mại đi vận động khách hàng của ngân hàng SCB rút tiền để gửi sang ngân hàng của mình.

 Doanh nhân kiều bào tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Chia sẻ yêu thương trong đại dịch COVID-19”. Ảnh: Xuân Khu

Doanh nhân kiều bào tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Chia sẻ yêu thương trong đại dịch COVID-19”. Ảnh: Xuân Khu

Vậy, thế nào là trách nhiệm xã hội, là đạo đức doanh nhân? Trong một cuốn sách của mình xuất bản năm 1962, nhà kinh tế học Milton Friedman cho rằng: trách nhiệm xã hội duy nhất của doanh nhân là sử dụng các nguồn lực vào những hành động gia tăng lợi ích trên cơ sở tôn trọng luật chơi, có nghĩa là cạnh tranh tự do và cởi mở, không gian dối.

Tuy nhiên, tuân thủ pháp luật, không gian dối có đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội và đạo đức doanh nhân? Hẳn nhiên là chưa đủ, trước hết bởi pháp luật luôn có xu hướng lạc hậu hơn so với sự biến đổi của xã hội. Trên thực tế, các quy định pháp luật cũng không thể phản ánh hết được các giá trị đạo đức. Nói cách khác, hệ thống pháp luật chỉ phản ánh quan niệm đạo đức ở mức tối thiểu.

>>"Những ngày không thể quên lại tô thắm văn hoá đạo đức kinh doanh của doanh nhân"

Những giá trị đạo đức phổ biến mới thực sự là pháp luật dựa trên những nguyên tắc đạo lý, cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả xã hội. Bởi thế, doanh nhân có đạo đức thì không chỉ chấp hành nghiêm túc các quy định pháp lý, mà còn luôn phải ý thức về các quan niệm đạo đức phổ biến trong xã hội.

Vai trò của thể chế

Sau gần bốn thập kỷ đổi mới đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam kiên định chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khác với các nền kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc biệt coi trọng tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Trong nền kinh tế đó, đích đến là chất lượng cuộc sống và phẩm giá của con người chứ không phải chỉ số tăng trưởng dựa trên sự cạnh tranh bất công, cá lớn nuốt cá bé bất chấp những giới hạn đạo đức.

Tiến bộ, công bằng xã hội không thể tách rời đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, để xây dựng được một nền đạo đức kinh doanh thì không thể chỉ kêu gọi trách nhiệm của các doanh nhân. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp chỉ là một cấu phần của nền kinh tế thì không thể quyết định được nền tảng đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống thể chế kinh tế do nhà nước ban hành.

Đó phải là hệ thống thế chế tạo cơ sở cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại. Căn bản nhất, hệ thống quyền sở hữu tài sản, quyền kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy tự do kinh tế. Các quy định pháp lý cũng phải bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Quan trọng nhất, hệ thống thể chế phải kiểm soát được các nguy cơ kiếm lợi bất chấp đạo lý, cũng như mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường nhằm tránh làm méo mó thị trường, tạo cơ hội cho doanh nhân thân hữu lũng đoạn thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Đạo đức... tối thượng!

    03:11, 25/10/2022

  • Đạo đức, văn hóa là nguồn lực nội sinh của doanh nghiệp

    09:59, 13/10/2022

  • Văn hóa, đạo đức là nền tảng phát triển bền vững

    05:12, 13/10/2022

  • Đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh

    23:41, 12/10/2022

  • Đạo đức doanh nhân chính là tinh thần tự hào dân tộc của Doanh nhân

    16:08, 12/10/2022

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh