Động lực tăng trưởng năng suất giai đoạn mới
Chuyên gia nhấn mạnh, cần có giải pháp linh hoạt, tạo đột phá tăng trưởng năng suất trong giai đoạn tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập.
>>>Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"
Phát biểu tại “Hội thảo tham vấn Chương trình Xây dựng hệ sinh thái năng suất hướng tới việc làm bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad).
Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trước những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới toàn diện, việc gia tăng năng suất lao động là yếu tố then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua có tăng, nhưng xét về mặt giá trị tuyệt đối thì năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN. “Tới 90% số doanh nghiệp ở Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cực nhỏ. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thường ở cuối chuỗi, giá trị gia tăng thấp. Năng lực quản trị và sử dụng hiệu quả các nguồn lực còn nhiều hạn chế”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Gần 74% lực lượng lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động; khả năng quản trị nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; … và các yếu tố khác đều có ảnh hưởng quan trọng tới tốc độ tăng năng suất lao động.
Do đó, Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Nâng cao năng suất lao động là một bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam và càng khó hơn do những tác động của đại dịch Covìd-19”.
Trước thực trạng về năng suất lao động của Việt Nam, Đảng và chính phủ cũng đã tích cực có những chính sách, giải pháp để nâng cao năng suất lao động, tạo tiền đề để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Do đó, Việt Nam cần xác định rõ các vấn đề trọng tâm liên quan đến tăng năng suất lao động để tìm con đường ngắn nhất tạo đột phá tăng năng suất lao động. Sự hợp tác và cam kết của bên liên quan trong quá trình này có vai trò hết sức quan trọng”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Trên thực tế, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam nằm trong số cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở Châu Á trong vòng một thập kỷ qua. Nỗ lực cải thiện năng suất đã đem lại cho Việt Nam những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các quốc gia trong khu vực.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện. Giai đoạn 2011- 2015, tăng TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng TFP đóng góp khoảng 45,7% vào tăng trưởng kinh tế. Bình quân chung cả giai đoạn 20 11 - 2020, tăng TFP đóng góp khoảng 39,6% vào tăng trưởng kinh tế.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2020 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng 20 bậc so với năm 2016. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về chỉ số này. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng đầu tư, ứng dụng đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế, các ngành và doanh nghiệp vượt qua những cú sốc, tiếp tục thúc đẩy tăng năng suất trong giai đoạn bất ổn của nền kinh tế thế giới.
>>>Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
>>>Trải nghiệm và năng suất
Mặc dù sau 2 thập kỷ, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng gấp ba lần và khoảng cách với các nước đã được thu hẹp đáng kể nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn nhóm thấp ở khu vực Châu Á. So với nước có mức năng suất dẫn đầu Châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990 thì khoảng cách hiện tại là 11,3 lần.
Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện năng suất lao động. Trong đó việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp đóng góp vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến nay sự đóng góp này có lẽ đã đến điểm bão hòa cho nên Việt Nam phải tìm ra cách giải mới để tăng năng suất lao động.
Do đó, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI cho rằng, cần có giải pháp linh hoạt, tạo đột phá trong tăng trưởng năng suất trong giai đoạn mới.
Theo Tổng thư ký VCCI, từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy rõ năng suất lao động được đo bằng tổng hòa hai yếu tố vĩ mô và vi mô. Trong yếu tố vĩ mô nó phụ thuộc vào quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách. Còn yếu tố vi mô là quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, của chủ thể sử dụng lao động…
Do đó, Việt Nam đã, đang triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo. Trong đó, giải pháp đầu tiên là cần phải nhanh chóng gia tăng quy mô nền kinh tế (quy mô GDP), duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch nhanh theo hướng tiến bộ, theo đó cơ cấu công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế phải chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực nông lâm thuỷ sản (gia tăng những ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao).
Kèm theo đó, cần tạo ra nhiều việc làm và giải quyết việc làm đảm bảo toàn dụng lao động. Huy động tối đa lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế; giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Tổng thư ký VCCI cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Xây dựng Chính phủ số. Phải hình thành cho được hệ sinh thái khởi nghiệp. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm của sự phát triển. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính quyết định đến vấn đề nâng cao năng suất lao động.
“Do đó, một mặt cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mặt khác cần khuyến khích phát triển, hình thành nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao. Có thể tạo bước tạo đột phá chính là các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu, chủ động trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Song song với các giải pháp cần kết hợp kinh nghiệm của các nước có năng suất lao động cao như Nhật Bản. Kinh nghiệm của người Nhật là phải hỗ trợ người lao động “cài đặt” lại nhận thức của mình và đòi hỏi cam kết chặt chẽ từ cả 2 phía thực hiện để cải thiện năng suất lao động.
Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh vấn đề quan trọng là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách có hệ thống được quản lý chặt chẽ khoa học từ dạy nghề, đến đại học hoặc cao hơn phù hợp cho mọi đối tượng, lứa tuổi. Hiện Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều chương trình dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ các nước như Nhật, Australia…
Có thể bạn quan tâm
Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"
04:00, 15/08/2022
Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
01:00, 14/08/2022
Trải nghiệm và năng suất
12:19, 03/07/2022
Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế
11:30, 29/05/2022