CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm
Một số quy định pháp luật liên quan còn bất cập, "sơ hở", công tác thực thi chưa thực sự đồng bộ, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, thậm chí, có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm.
>>>Thách thức chống buôn lậu và gian lận thương mại
Phát biểu khai mạc Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong những năm trở lại đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, Việt Nam trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hoá trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày một phát triển, hàng hoá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm ngày một được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng”.
Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, kịp thời nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái đã giảm sâu. Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
“Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, hình thức và phương pháp ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, tài sản và quyền lợi người tiêu dùng, xa hơn nữa là tác động xấu tới toàn xã hội”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi.
>>>[TRỰC TIẾP] Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid -19, việc kinh doanh qua mạng vô tình đã tiếp tay cho hoạt động mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng khai báo gian dối về giá phát triển mạnh. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn ra.
Đặc biệt, ông Vinh cho biết, theo dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên thị trường sẽ tăng cao đột biến.
“Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật…”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Đồng thời cho biết, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở, công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, giữa cơ quan pháp luật với doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe dẫn đến hiệu quả phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn.
Nhằm chỉ ra nguyên nhân, tạo sự đồng thuận và tìm giải pháp để hạn chế và ngăn chặn tình trạng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI mong muốn buổi tọa đàm sẽ góp phần nêu lên được thực trạng, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong cơ chế phối hợp và những bất hợp lý của chế tài xử phạt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, VCCI còn mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp quý báu, những kinh nghiệm và đề xuất từ các chuyên gia, cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp để tạo nên một môi trường thuận lợi, góp phần thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng đồng bộ và hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và ổn định kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt
14:39, 29/11/2022
CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Cần sự đồng lòng
14:33, 29/11/2022