CSI là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Bộ chỉ số CSI do VCCI chủ trì xây dựng là một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp ích đắc lực cho doanh nghiệp.
>>>CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững
Ngày 01/12/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022.
“Gieo hạt mầm xanh”
Đánh giá cao sáng kiến của VCCI phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam liên tục trong 07 năm qua ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Chương trình đã đóng góp vào công cuộc “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ dựa trên nền tảng củng cố nội lực và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập quốc tế.
Các xu hướng mới về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng dựa trên năng suất và khoa học công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, có khả năng thích ứng cao trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu phát triển mạnh về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.”- ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng VBCSD nhận định: Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, tăng trưởng kinh tế suy giảm trên phạm vi toàn cầu và những tác động nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu… Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều đặt ra những ưu tiên, lựa chọn, hay các chính sách khác nhau để có thể thực hiện thành công các chiến lược phát triển của riêng mình.
Tuy nhiên, trên hải trình hướng đến sự phồn vinh, thịnh vượng, vẫn luôn có một ngọn hải đăng dẫn lối cho các con tàu quốc gia cùng đi đến đích chung. Đó chính là Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015. Từ đó, các quan điểm về phát triển bền vững bắt đầu được mở rộng ra và mang tính bao trùm lớn hơn, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại là được sống trong hoà bình, phát triển xanh, môi trường sống trong sạch, bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, không còn chiến tranh và đói nghèo.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Gần 20 năm trước, ở Việt Nam, khi chúng tôi bắt đầu nói với doanh nghiệp về phát triển bền vững, thì hầu hết doanh nghiệp đều rất mơ hồ về khái niệm này. Trong khi chúng ta hiểu rằng sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu một cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Ở thời đại của chúng ta, chúng ta không chỉ nói đến kinh doanh đơn thuần, mà chúng ta phải đến kinh doanh có trách nhiệm.
Chúng ta không chỉ nói đến tăng trưởng chung chung mà sự tăng trưởng đó phải là bền vững và bao trùm. Đó chính là trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta. Và việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững là định hướng và tôn chỉ hoạt động của VCCI đã theo đuổi từ rất sớm. VCCI đã cụ thể hóa định hướng đó thông qua nhiều chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt là thành lập VBCSD từ 12 năm trước.
Cũng với tinh thần đó, rất nhanh chóng sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được Liên Hợp Quốc đạo thông qua vào năm 2015, VCCI lần đầu tiên đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững vào năm 2016.
Năm nay, bước sang năm thứ 07 triển khai, Chương trình tiếp tục ghi nhận sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Lễ công bố ngày hôm nay, chúng ta sẽ biểu dương 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất - những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam.
Để CSI có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp ở từng quy mô khác nhau, VCCI luôn nỗ lực nghiên cứu, cập nhật, bổ sung Bộ chỉ số CSI để áp dụng đa dạng cho các doanh nghiệp ở nhiều quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau tại Việt Nam.
“Ban Tổ chức chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ sớm có thêm nhiều gương mặt mới, những “cánh chim không mỏi gieo hạt mầm xanh” đồng hành cùng VBCSD, VCCI trên hành trình đó. Chúng ta đang nỗ lực để truyền tải đến thế giới thông điệp: Việt Nam sẽ chuyển đổi, tăng tốc và bứt phá để đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội, thịnh vượng và bao trùm.”- ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Lan toả của Chương trình CSI
Từ góc độ vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển bền vững, bao trùm của đất nước, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các ban, bộ, ngành, các địa phương cùng với VCCI và các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt một số yêu cầu căn bản:
Thứ nhất, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Thứ hai, hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp bền vững cần phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh có trách nhiệm, tạo ra tăng trưởng kinh tế trong sự hài hòa với lợi ích môi trường và xã hội. Phát triển bền vững cần được gắn kết trong các chính sách phát triển, chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được thông suốt từ cấp lãnh đạo đến từng nhân viên trong doanh nghiệp để đảm bảo mỗi thành viên của doanh nghiệp đang cùng nhìn về một hướng.
Thứ ba, bối cảnh thế giới với nhiều thách thức, biến động đặt ra yêu cầu cần chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới để tạo thêm không gian phát triển. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động bám sát các đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, từ đó tìm ra những hướng đi mới, cơ hội mới, đón đầu và nắm bắt kịp thời xu thế, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.
Ở khía cạnh này, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI chủ trì xây dựng là một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp ích đắc lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là hơn 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp. Nền tảng quản trị tốt chính là “xương sống” cho bộ máy vận hành của doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định: Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy tính chủ động, năng lực sáng tạo của doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, hài hòa với lợi ích môi trường và xã hội; chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Những doanh nghiệp bền vững được vinh danh là những doanh nghiệp đã nhận thức đúng triết lý cốt lõi của kinh doanh chân chính là tạo nên giá trị lợi ích hài hòa, bền lâu cho chính doanh nghiệp, cho cả cộng đồng và cho thế hệ tương lai. Nhiều doanh nghiệp là những doanh nghiệp lớn đã có bề dày lịch sử hoạt động sản xuất-kinh doanh, đã quyết liệt “làm mới mình”, chuyển đổi một cách có hệ thống từ tư duy kinh doanh đơn thuần sang kinh doanh bền vững. Có những doanh nghiệp mới chỉ là các start-up, nhưng ngay khi khởi nghiệp họ đã xác định chiến lược kinh doanh có trách nhiệm để tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Tất cả họ xứng đáng nhận được sự cổ vũ và biểu dương của toàn xã hội.
Những tấm gương doanh nghiệp được biểu dương trong Lễ công bố hôm nay cho thấy sức lan tỏa ngày càng rộng của Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam và của Bộ chỉ số CSI. Trải qua 07 mùa triển khai Chương trình, VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam luôn chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan, phổ biến, cập nhật và hoàn thiện Bộ Chỉ số CSI. VCCI mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực, quý báu của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công đã Phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023) và kỳ vọng rằng với sức lan toả của Chương trình CSI, cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh.
“Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chung tay bồi đắp nên những thành công mới mở ra Thập kỷ Phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau và Doanh nghiệp bền vững, Quốc gia thịnh vượng, vững bền!”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp, Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) được VCCI chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, không phân biệt quy mô cũng như lĩnh vực hoạt động. Từ các hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn 148 hồ sơ để Hội đồng xét duyệt đánh giá, chấm điểm và trình Ban Chỉ đạo quyết định 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu nhất để biểu dương tại Lễ công bố. Trong đó, ở Top 10 các doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và sản xuất, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 40%, 25% và 35%. Ngoài việc biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, Chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong ba hạng mục chuyên đề: Thúc đẩy quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc làm; Kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền trẻ em trong kinh doanh; Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp năm nay, Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI phiên bản 2022 đã được cập nhật với 130 chỉ tiêu, trong đó có 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật – là yêu cầu bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp, 32% là các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững. |
Có thể bạn quan tâm