Doanh nghiệp mạnh bởi chính sách tốt
Thực hiện vai trò của cơ quan quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI luôn chú trọng đến hoạt động vận động chính sách và chủ động tham gia xây dựng chính sách và pháp luật.
>>>VCCI công bố Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư
Hằng năm, VCCI tiếp nhận hàng trăm đề nghị góp ý văn bản chính sách, pháp luật từ nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. VCCI đã triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia và chuyển tải các ý kiến góp ý theo nhiều phương thức (văn bản; tham gia ý kiến tại các cuộc họp thẩm định, thẩm tra; tổ chức hội thảo, tọa đàm) tới các cơ quan hữu quan.
Đưa thực tiễn kinh doanh vào pháp luật
Bên cạnh đó, VCCI cũng chủ động thực hiện rà soát, tổng hợp kiến nghị đề xuất sửa đổi nhiều văn bản pháp luật đang gây vướng cho doanh nghiệp gửi tới cơ quan nhà nước.
Một số hoạt động nổi bật bao gồm rà soát pháp luật kinh doanh đối với 16 luật và các văn bản hướng dẫn thi hành (năm 2011), rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam (2018), rà soát chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh (2019-2020), đánh giá hiện trạng khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công (dịch vụ đánh giá sự phù hợp) và giải pháp thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công (2020), hoạt động thương mại điện tử (2021), các báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh thường niên từ 2018 đến 2021…
Kết quả hoạt động góp ý chính sách, pháp luật về kinh doanh do VCCI triển khai theo chỉ đạo của lãnh đạo VCCI được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đánh giá rất tích cực. Vai trò của VCCI ngày càng được khẳng định và đã được luật hoá trong quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam. Hầu như rất hiếm Phòng Thương mại nào trên thế giới có được vị thế và vai trò này.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong kết luận đã yêu cầu các dự án luật phải có ý kiến tham gia của VCCI trước khi Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua, VCCI tham gia sâu cả vào kỳ họp thứ 2 để thông qua luật.
Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ thường yêu cầu phải có ý kiến VCCI trong hồ sơ thẩm định, thẩm tra các văn bản trình ra phiên họp Chính phủ, nhiều hồ sơ đã phải trả về vì chưa có ý kiến của VCCI. Chính quyền các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên lấy ý kiến VCCI khi ban hành các văn bản pháp luật.
Có được những kết quả trên là do kết quả hoạt động này trong giai đoạn vừa qua, hoạt động tham mưu góp ý chính sách, pháp luật của VCCI có chất lượng cao, được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, được các bộ, ngành sử dụng thường xuyên và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Tiên phong cải thiện môi trường kinh doanh
Hiện nay, có lẽ mảng hoạt động về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính là mảng hoạt động nổi bật của VCCI, đóng góp trực tiếp và tích cực vào các chương trình cải cách của Việt Nam.
Nổi bật của mảng hoạt động này là việc tiến hành nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong hơn 17 năm qua (bắt đầu từ năm 2005). PCI là bộ công cụ đánh giá của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành cấp địa phương và tạo ra sức ép cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam từ dưới cơ sở. Từ PCI, hiện nay các hoạt động đánh giá và thúc đẩy cải cách cấp địa phương đã xuống tới cấp sở ngành, cấp quận huyện thông qua bộ chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI) do các tỉnh chủ trì.
VCCI cũng tiên phong trong việc đẩy thực thi các chính sách quan trọng của Nhà nước. Chẳng hạn Chính phủ có chương trình cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ 2014 với loạt Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm và sau này là Nghị quyết 02. Đồng hành với Chính phủ, VCCI cũng thực hiện loạt báo cáo đánh giá thực tế thực hiện các Nghị quyết 19 và 02 này.
VCCI cũng chọn ra một số lĩnh vực quan trọng với doanh nghiệp để thúc đẩy cải cách như thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, xây dựng. VCCI đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu (thường niên từ 2011-2022), thuế (các năm 2015, 2017, 2019, 2021), cấp phép xây dựng (2019, 2021)…
Các kết quả triển khai các nghiên cứu, dự án thuộc nhóm chức năng này đã đóng góp tích cực trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, góp phần khẳng định vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong các nỗ lực cải cách của Việt Nam trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
VCCI và TCC thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan trong bối cảnh mới
11:36, 18/11/2022
VCCI công bố Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư
15:50, 16/11/2022
Đảng, đoàn VCCI đã có nỗ lực lớn trong xây dựng nghị quyết về vai trò đội ngũ doanh nhân
01:01, 15/11/2022
ĐIỂM BÁO NGÀY 11/11: VCCI công bố kết quả thực thi EVFTA
04:24, 11/11/2022