Phát triển kinh doanh liêm chính
VCCI đã có sáng kiến và khởi xướng thành lập “Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính Việt Nam - VBIN” nhằm bảo đảm tính cạnh tranh và bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.
>>Đào tạo kinh doanh liêm chính
Trao đổi với DĐDN, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, chuyên gia tư vấn của VBIN đánh giá, kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là “hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Không thực hiện kinh doanh liêm chính, doanh nghiệp có thể phải từ bỏ cơ hội kinh doanh, nên hiện nay, thực hành kinh doanh liêm chính đã là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
- Thưa ông, khái niệm kinh doanh liêm chính được đề cập nhiều trong những năm gần đây nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn đang được hiểu nhiều nhất ở khía cạnh phòng chống tham nhũng, loại bỏ chi phí không chính thức?
Cốt lõi của khái niệm kinh doanh liêm chính là doanh nghiệp sẽ tuân thủ quy định pháp luật, thông lệ kinh doanh tốt và bền vững mà không cần giám sát của cơ quan bên ngoài, trong đó có nội dung về phòng chống tham nhũng. Thế nhưng hiện nay, nội dung của phát triển doanh nghiệp bền vững không đơn thuần là phòng chống tham nhũng mà trong bối cảnh của Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển bền vững theo yêu cầu của các hiệp định thương mại đã ký kết như EVFTA, CPTTP… Ở các FTA đều có một chương đề cập đến phát triển bền vững với nhiều nội dung.
Các doanh nghiệp thực hành thông lệ kinh doanh tốt bao gồm các vấn đề như trung thực với bên thứ ba (nhà cung cấp, chính quyền), trung thực với nhân viên, ngân hàng với cộng đồng; trách nhiệm với môi trường, với xã hội, tôn trọng sự đa dạng về văn hoá. Thông lệ tốt trên thế giới có một khung khái niệm về kinh doanh liêm chính bao trùm như vậy.
Nếu coi phòng chống tham nhũng là nội dung chính của kinh doanh liêm chính sẽ khó cho các doanh nghiệp thực hiện. Ngược lại, hiểu kinh doanh liêm chính theo nghĩa rộng hơn như thông lệ quốc tế thực hiện, các doanh nghiệp sẽ thấy trách nhiệm và chỗ đứng của mình trong việc thực hiện kinh doanh liêm chính.
- Với nội hàm cụ thể theo thông lệ quốc tế, việc thúc đẩy thực hiện kinh doanh liêm chính được các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả hơn, thưa ông?
Tôi cho rằng, doanh nghiệp có kế hoạch bao quát và tổng thể hơn với cách tiếp cận đầy đủ, toàn diện và khoa học hơn. Thứ hai, có nhiều hành động doanh nghiệp có thể thực hiện được và nhìn thấy kết quả sớm, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, có kết quả tiếp theo. Những vấn đề này có mối liên kết với nhau.
>>>“Cái giá” của kinh doanh liêm chính
Những hoạt động thực hiện kinh doanh liêm chính sẽ tạo dựng văn hóa trong doanh nghiệp, tạo môi trường từ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đến nhân viên thực hành kinh doanh liêm chính; thực hiện những nội dung dễ trước rồi đến vấn đề khó và phức tạp hơn.
Kinh doanh liêm chính vì thế không chỉ là vấn đề đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết mà các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp SME Việt Nam muốn tiếp cận chuỗi cung ứng lớn, cung ứng toàn cầu cũng phải có bộ quy tắc ứng xử về kinh doanh liêm chính với các nội hàm rộng mà tôi đã đề cập.
Với ý nghĩa như vậy, tôi đánh giá sáng kiến thành lập Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam là sáng kiến rất tốt, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mạnh, có sức cạnh tranh.
Ngoài vấn đề về vốn, công nghệ thì cộng đồng doanh nghiệp mạnh cần có văn hóa kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh liêm chính, kinh doanh bền vững, có trách nhiệm với đối tác và các bên liên quan, trách nhiệm với xã hội, với môi trường, với nền kinh tế.
Văn hóa kinh doanh như vậy sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh mới của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp như là cơ hội kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, gia nhập thị trường toàn cầu. Tất cả những điều đó rất cần những tiêu chuẩn về kinh doanh liêm chính, trách nhiệm xã hội.
- Để giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu chi phí không chính thức liên quan rất nhiều đến quy định của hệ thống pháp luật, thưa ông
Thực hiện kinh doanh liêm chính, cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam, theo tôi cần đi từ hai phía: doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp sẽ tuân thủ khi quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch, cụ thể, không có chỗ cho sự diễn giải tùy nghi để hiểu theo cách này hay các khác đều được. Sự rõ ràng, minh bạch trong các quy định pháp luật cũng làm cho những hành vi nhũng nhiễu giảm bớt đi.
Bên cạnh đó là các biện pháp khác hướng đến sự minh bạch, rõ ràng như các thủ tục hành chính thực hiện bằng những quy trình thông thoáng, cụ thể hơn; có sự tham gia của giám sát của các bên; ứng dụng công nghệ số; nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức của doanh nghiệp… cũng sẽ hỗ trợ việc giảm thiểu những rủi ro về chi phí không chính thức. Có cơ chế bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp khi lên tiếng trước những hành vi nhũng nhiễu là giải pháp đóng góp thêm cho việc thực hành tốt hơn kinh doanh liêm chính của Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
“Cái giá” của kinh doanh liêm chính
05:30, 13/10/2022
Đào tạo kinh doanh liêm chính
06:03, 09/07/2022
Kinh doanh liêm chính - nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp
14:20, 30/06/2022
Xây dựng văn hoá kinh doanh liêm chính phải bắt đầu từ khởi nghiệp
16:10, 14/06/2022