Thách thức giải quyết tranh chấp theo EVIPA
Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và EVFTA sẽ tạo khuôn khổ pháp lý và nâng cao cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU, nhưng cùng lúc cũng tạo ra rất nhiều thách thức.
>>>Việt Nam – EU: Thông qua EVIPA và tháo gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
Các thách thức này không đến từ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành. Vì về cơ bản quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ đầu tư đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tuy nhiên, các thách thức lại chủ yếu đến từ việc tuân thủ và thực thi các cam kết của các Hiệp định và việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư vốn ngày càng hoàn thiện theo quy định của các Hiệp định.
Những điểm mới đáng chú ý
Thứ nhất là Cơ chế kiểm soát, giải quyết tranh chấp đầu tư được quy định chặt chẽ hơn so với cơ chế cũ, nhằm đảm bảo quyền lợi và sự cân bằng giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các quy định về quy trình, thủ tục, thời gian, phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ và phương thức giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết, cụ thể.
Trong từng phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, tham vấn, trọng tài, Tòa đầu tư thường trực đều được quy định cụ thể về chủ thể, thời hạn, thời hiệu, yêu cầu hồ sơ, quy trình xử lý, thủ tục tiến hành. Mức độ chi tiết trong IPA thể hiện sự kế thừa và phát triển so với các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trước đó trong hệ thống pháp luật đầu tư quốc tế. Điều này góp phần tạo ra sự cân bằng tối đa giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư, giúp giảm thiếu tối đa rủi ro pháp lý cho các bên.
Thứ hai, nguyên tắc minh bạch trong giải quyết tranh chấp đầu tư. Theo nguyên tắc này, tất cả các tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư đều được công khai trên trang điện tử của Liên Hợp quốc. Các phiên điều trần cũng được thực hiện công khai cho các bên liên quan tham dự. Nguyên tắc này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới và đã được đề cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp tại luật mẫu của UNCITRAL, Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thứ ba, biện pháp hạn chế việc lạm dụng quy định về giải quyết tranh chấp đầu tư. Để phòng ngừa việc nhà đầu tư lạm dụng quy định về giải quyết tranh cấp đầu tư, cũng như loại trừ những tranh chấp không có căn cứ thì các Hiệp định xác định chi tiết hơn nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Trong EVIPA cũng nghiêm cấm việc đồng thời lựa chọn các cơ chế tài phán khác nhau, hạn chế khởi kiện song song giữa tòa án trong nước và trọng tài quốc tế, cũng như quy định về cơ chế sàng lọc các khiếu kiện để đảm bảo thẩm quyền xử lý, loại bỏ những khiếu kiện vô căn cứ.
Nhiều thách thức từ cơ chế giải quyết
Những vướng mắc về tổ chức bộ máy của cơ quan giải quyết tranh chấp, nguồn nhân lực và tài chính cho việc giải quyết tranh chấp đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tự bảo vệ của họ trong tranh chấp đầu tư quốc tế. Một trong những mô hình mà các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam theo đuổi đó là việc ký kết và gia nhập các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại và đang đàm phán 12 Hiệp định thương mại tự do (trong đó có các chương về đầu tư), thì những hạn chế của Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư (ISDS) là những thách thức chung mà chúng ta, quốc gia bị đơn trong một số vụ kiện đầu tư gần đây, đang phải trải nghiệm.
Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại EVFTA và IPA được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế những bất cập hiện có của hệ thống ISDS hiện tại, và hạn chế đáng kể việc lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bởi các nhà đầu tư thiếu thiện chí, thông qua việc quy định chặt chẽ hơn yêu cầu khởi kiện và khoanh vùng các ngoại lệ mà Chính phủ được tự do áp dụng biện pháp mà không dẫn tới nguy cơ tranh chấp.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những thách thức đến từ chính cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định, cụ thể: quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử bởi Chính phủ, cũng như sự độc lập và khách quan của những ứng viên không mang quốc tịch Việt Nam; áp lực lớn hơn của thời gian tố tụng và rủi ro của việc cơ chế trọng tài thường trực sẽ hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư trong việc sử dụng cơ chế này; việc phải thực thi phán quyết trọng tài như phán quyết của tòa án trong nước khiến Tòa án Việt Nam không thể xem xét lại phán quyết; cơ chế minh bạch hóa sẽ dẫn tới việc tất cả các phán quyết được công khai trước công chúng; chưa kể tới áp lực của việc phải nâng cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thông qua hòa giải và thương lượng vốn chưa phát triển và phổ biến ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt tận dụng EVFTA và các FTA
05:09, 26/11/2022
ĐIỂM BÁO NGÀY 11/11: VCCI công bố kết quả thực thi EVFTA
04:24, 11/11/2022
EVFTA khẳng định vai trò đòn bẩy cho thương mại Việt Nam – EU
11:54, 01/10/2022
EVFTA góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi cho nền kinh tế
16:03, 10/11/2022
Còn nhiều thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA
14:31, 22/08/2022
EVFTA "gỡ" hai “khúc mắc” cho kinh tế Việt Nam
03:06, 08/08/2022