Kinh doanh văn hoá

Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 06/01/2023 03:11

Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, hoàn toàn có thể có những sản phẩm văn hoá vừa mang lại lợi nhuận, vừa giúp truyền bá cái hay cái đẹp

 >>>Văn hóa ứng xử với môi trường thể hiện đạo đức của doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và các doanh nhân tại Hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và các doanh nhân tại Hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh.

Thực tiễn cũng cho thấy, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực văn hoá một cách phi lợi nhuận. Điều này chỉ có thể có được khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ cho phép con người nghĩ xa hơn cuộc sống mưu sinh hàng ngày để hướng đến những giá trị nhân văn. Đội ngũ doanh nhân chính là lực lượng có đủ nguồn lực để làm việc này.

Đổi mới quản lý văn hoá

Hiện nay, cùng với sự phát triển của internet, chúng ta nhập khẩu các sản phẩm văn hoá của nước ngoài rất nhanh, rất nhiều. Nhìn từ một số khía cạnh thì điều này có tác động tích cực khi giúp đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá mà người dân Việt Nam được thụ hưởng, tiếp cận. Nhưng khi nhìn sang các quốc gia xuất khẩu văn hoá thì chúng ta thấy đây là các sản phẩm do doanh nghiệp tư nhân làm ra, chứ không phải do nhà nước. Tại các quốc gia đó, nhà nước đứng vai trò tạo lập môi trường pháp lý, chứ không phải là người trực tiếp tạo ra sản phẩm văn hoá.

Nghị quyết số 33/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra nhiệm vụ: “Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa".

Quản lý nội dung các sản phẩm văn hoá luôn là mối quan tâm cả của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và dư luận xã hội. Đây là vấn đề quan trọng ở bất kỳ một quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam. Mỗi quốc gia sẽ có các tiêu chuẩn quản lý nội dung khác nhau, như phòng chống nội dung bạo lực, khiêu dâm, phỉ báng tôn giáo, xúc phạm lãnh tụ, kích động chiến tranh, chống phá chế độ… Việt Nam cũng có các tiêu chuẩn kiểm soát nội dung riêng phù hợp với chế độ chính trị, chế độ kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Các doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài, hiểu và tôn trọng các quy định quản lý nội dung này của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng hiểu rằng việc kinh doanh của mình phải đóng góp cho sự phát triển của đất nước, giúp lan truyền các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nếu doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm văn hoá có nội dung xấu độc thì không chỉ bị pháp luật xử lý mà còn bị người tiêu dùng tẩy chay. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp luôn có ý thức tự kiểm duyệt nội dung của mình để bảo đảm phù hợp với pháp luật và thị hiếu của khán giả.

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không có một cơ chế rõ ràng, minh bạch để kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả. Các tiêu chí kiểm duyệt của Việt Nam thường khá chung chung, định tính trong khi các sản phẩm văn hoá luôn phải đáp ứng nhu cầu cái mới, cái sáng tạo của khán giả và cả người nghệ sĩ.

Do đó, việc tiếp tục đổi mới về quản lý sản phẩm văn hoá là điều hết sức bức thiết để doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư. Biện pháp tốt nhất là phải có được các bộ tiêu chuẩn, các hướng dẫn kiểm duyệt đủ chi tiết, bao gồm cả việc bảo vệ trẻ em. Những doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện về năng lực có quyền tự kiểm duyệt nội dung. Cơ quan nhà nước chỉ cần hậu kiểm và xử phạt thật nặng khi doanh nghiệp có nội dung vi phạm.

>>>Văn hóa ứng xử với môi trường thể hiện đạo đức của doanh nghiệp

>>>Doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần dân tộc vì quốc gia hùng cường, thịnh vượng

Thu hút tài trợ phi lợi nhuận

Hiện nay, việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực văn hoá chủ yếu dưới hình thức vì lợi nhuận. Mô hình cung cấp sản phẩm văn hoá phi lợi nhuận vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác cơ chế tài chính phi lợi nhuận đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm văn hoá.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã sản sinh ra một số doanh nghiệp lớn và những doanh nhân tầm cỡ.

Ngoài hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân có thu nhập khá đã bắt đầu có nhiều đóng góp phi lợi nhuận cho các hoạt động chung của đất nước trong các lĩnh vực thể thao, giáo dục, văn hoá, từ thiện, môi trường… Có thể kể đến như Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, Quỹ khoa học Vin Future của vợ chồng doanh nhân Phạm Nhật Vượng, hay rất nhiều Quỹ từ thiện xoá đói giảm nghèo…

Trong giai đoạn Covid-19, chúng ta có thể thấy nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã hiến tặng phi lợi nhuận cho sự phát triển chung của đất nước.

Trong lĩnh vực văn hoá, các nguồn tài trợ phi lợi nhuận chưa thực sự phát huy hiệu quả và các đơn vị cung cấp sản phẩm văn hoá phi lợi nhuận cũng rất khó tiếp cận. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa có cơ chế pháp lý và chưa có các thiết chế tài chính phù hợp làm kênh dẫn dắt phù hợp cho hoạt động này.

Trường hợp một cá nhân muốn đóng góp tài sản cá nhân cho các hoạt động văn hoá hiện nay chỉ có hai sự lựa chọn: một là tự mình quản lý khoản tài sản đóng góp đó và hai là tặng hoàn toàn cho một một đơn vị trong lĩnh vực văn hoáTuy nhiên, cả hai hình thức này đều có những điểm chưa phù hợp với nhu cầu của các mạnh thường quân.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số quy định tại Nghị định 93/2019 về quỹ xã hội, trong đó có cho phép quỹ tài trợ cho hoạt động văn hoá. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn còn rất cứng nhắc và chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với sự phát triển của bối cảnh kinh tế xã hội mới.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác cho thấy, có khá nhiều cơ chế tài chính phi lợi nhuận cho phép các nguồn tiền tài trợ cho hoạt động văn hoá, ví dụ như mô hình quỹ uỷ thác, mô hình nhà đầu tư thiên thần hoặc gây quỹ cộng đồng...

Có thể bạn quan tâm

  • Văn hóa kinh doanh bắt đầu từ người đứng đầu

    03:45, 01/02/2023

  • Hệ giá trị tạo nên diện mạo nền văn hoá

    04:00, 28/01/2023

  • Nâng tầm giá trị văn hóa, di sản

    11:56, 26/01/2023

  • Văn hóa vững kiến thiết doanh nghiệp bền

    04:00, 24/01/2023

  • “Điểm chạm” văn hoá

    05:00, 24/01/2023

  • Xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh mới

    05:52, 22/01/2023

  • Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh trong bối cảnh mới

    17:00, 21/01/2023

Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam