Giá trị mới từ kinh doanh bền vững!
Mỗi dịp Tết đến Xuân về cũng là lúc mỗi người trong chúng ta có dịp ngồi lại, suy ngẫm về một năm đã đi qua và ấp ủ kế hoạch, hoài bão cho một năm mới đang chờ đón phía trước.
>>>“Bệ đỡ” để doanh nghiệp phát triển bền vững
Với tôi, đó là lúc tôi được trăn trở nhưng cũng được tiếp thêm nhiệt huyết cho hành trình phát triển bền vững doanh nghiệp đầy thách thức, nhưng cũng thật vinh quang.Biến rác thải thành tài nguyên
Nếu là thời điểm 10, 15 năm trước, ai chắc cũng sẽ bật cười khi nghe câu nói này. Nhưng hiện tại thì không, bởi nó đã trở thành sự thật. Chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác, một thế giới mà nhân loại đang phải đối diện với nhiều bất ổn và thách thức hơn bao giờ hết: khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp chuyển mình một cách toàn diện, sống trong thế giới mới cần một tư duy mới.
Và phát triển bền vững chính là lựa chọn chung mang tính sống còn cho toàn nhân loại hiện nay.
Một tương lai bền vững cần sự tham gia, đóng góp của một cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững là tôn chỉ hoạt động đã được VCCI bền bỉ, nỗ lực triển khai trong nhiều năm qua và 2022 là năm ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật trong công tác phát triển bền vững doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu như Vinamilk, PNJ, Traphaco, PAN Group, Greenfeed, SASCO… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
VCCI tiếp tục tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) năm thứ 7 với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nếu nhìn vào con số gần 25% doanh nghiệp mới tham gia lần đầu hay kết quả điểm đánh giá hồ sơ của các doanh nghiệp trong Chương trình năm 2022 đạt mức trung bình cao nhất so với các năm, sẽ thấy mức độ quan tâm đến phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực.
>>>Nâng cao khả năng quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Bền vững gắn với chuyển đổi số
Tôi có vinh dự được tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du đến Châu Âu vào tháng 12/2022. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU, trong khuôn khổ chuyến công du, Thủ tướng đã một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thủ tướng cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung vào một số lĩnh vực: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh mạng. Như vậy, trong hiện tại và tương lai, hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chuyển đổi số tiếp tục là định hướng quan trọng Chính phủ đã đặt ra và đây cũng là những lĩnh vực trọng tâm được VCCI tập trung thúc đẩy trong năm qua.
Tuy nhiên, để tận dụng tối ưu lợi thế từ 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, cộng đồng doanh nghiệp không thể bỏ qua các yêu cầu về sản xuất bền vững ngày càng chặt chẽ của các nước nhập khẩu. Bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp.
Trong bối cảnh mới hiện nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong nước cần đổi mới tư duy, thực sự đưa chuyển đổi số vào trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. VCCI đã thực hiện một cuộc khảo sát trên quy mô lớn hơn 190 nghìn doanh nghiệp về chuyển đổi số trong năm 2022. Căn cứ vào kết quả ban đầu của khảo sát, VCCI sẽ xây dựng các chương trình hành động nâng cao năng lực chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong năm 2023. Nỗ lực này của VCCI cũng song hành với định hướng “Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”” mà Thủ tướng đã một lần nữa nhấn mạnh gần đây.
Doanh nghiệp vững bền, Quốc gia thịnh vượng
2023 sẽ là năm bản lề cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Phát triển bền vững doanh nghiệp trên các trụ cột quản trị - kinh tế - xã hội – môi trường, hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy chuyển đổi số sẽ tiếp tục là những “bánh lái” quan trọng của con tàu doanh nghiệp bền vững mà VCCI đang cùng chung tay lèo lái.
Với nền móng văn hóa, đạo đức kinh doanh liêm chính, tôi có niềm tin vững chắc rằng cộng đồng doanh nghiệp nước nhà sẽ ngày một lớn mạnh, vượt qua những con sóng lớn trong năm 2023, cùng chung tay cống hiến vì niềm tự hào dân tộc và vì khát vọng hùng cường của quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
“Bệ đỡ” để doanh nghiệp phát triển bền vững
14:19, 04/01/2023
Nâng cao khả năng quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
04:00, 01/01/2023
Không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp khó phát triển bền vững
16:53, 27/12/2022
Phát triển bền vững ở Việt Nam: Có nhiều chỉ tiêu rất khó tính toán
00:30, 24/12/2022
Kinh tế tuần hoàn, quản lý phát thải từ các thực hành phát triển bền vững tại Vinamilk
16:09, 14/12/2022