Lan tỏa Chỉ số CSI trong ASEAN
CSI là mô hình được các thành viên ASEAN BAC đánh giá cao tính thực tiễn và mong muốn nhân rộng trong ASEAN trong bối cảnh phát triển bền vững đang là xu thế toàn cầu.
>>> CSI là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững
DĐDN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam nhân dịp ông vừa tham dự cuộc họp ASEAN BAC lần thứ 95 và cuộc họp Hội đồng Doanh nghiệp hỗn hợp JBC lần thứ 21, lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN BAC từ Campuchia (Cambodia CCI) sang Indonesia (KADIN) và các kỳ họp liên quan khác.
- Thưa ông, chủ đề của ASEAN BAC năm 2023 tập trung vào các lĩnh vực nào? ASEAN BAC 2023 đã thực hiện các dự án mới nào để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này?
ASEAN BAC Indonesia trong vai trò tân Chủ tịch ASEAN BAC đã có báo cáo về các trọng tâm năm 2023 với chủ đề “ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn” tập trung vào việc vận động chính sách trong các lĩnh vực (1) chuyển đổi số, (2) phát triển bền vững, (3) sức khỏe, (4) an ninh lương thực, (5) thúc đẩy thương mại.
Để hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực trên, ASEAN BAC Indonesia đã đưa ra 07 dự án di sản trong năm 2023, được gộp lại thành 04 nhóm: (1) Mã thanh toán QR ASEAN (ASEAN QR code), Công nghệ tài chính/cho vay ngang hàng (Fintech/P2P), Bách khoa toàn thư về khởi nghiệp (Wiki Entrepreneur), (2) Trung tâm ASEAN về mục tiêu phát thải bằng “0” (ASEAN Net Zero Hub), Trung tâm xuất sắc về khí thải carbon (Carbon Center of Excellence), (3) Chương trình vắc xin cho khu vực ASEAN (ASEAN One shot Campaign), (4) Mô hình khép kín toàn diện cho sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN BAC 2023, ông Arjad Rasjid PM và ASEAN BAC Indonesia cũng đã có sáng kiến mới về việc tổ chức các chuyến thăm của Chủ tịch ASEAN BAC đến các quốc gia trong ASEAN và các nước đối tác, để thông báo về các hoạt động và tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN BAC và JBC các nước thành viên. Chủ tịch ASEAN BAC dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng 3/2023 để trao đổi với ASEAN BAC Việt Nam/cơ quan chính phủ về các trọng tâm hợp tác trong năm và dự án Di sản của ASEAN BAC Việt Nam.
Ngoài ra, Ban thư ký ASEAN BAC cũng đã trình bày đề án về việc giới thiệu cơ chế “Mạng lưới doanh nghiệp ASEAN - ABN”, đây là cơ chế hoạt động song song với ASEAN BAC trong vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp trong ASEAN.
- Thưa ông, ASEAN BAC Việt Nam đã đề xuất dự án di sản nào để góp phần thực hiện các mục tiêu hoạt động của ASEAN BAC năm 2023?
Tại Kỳ họp, các thành viên ASEAN BAC cũng đã có các báo cáo về các dự án di sản hiện đang triển khai bao gồm sự kiện khai màn của dự án di sản AMEN giai đoạn 2 của ASEAN BAC Philipines, dự án di sản SGConnect của ASEAN BAC Singapore, dự án di sản Digital Trade Connect của ASEAN BAC Thái Lan, và dự án di sản HIRED của ASEAN BAC Brunei.
Về phía ASEAN BAC Việt Nam, tôi đã trình bày dự án Di sản: “CSI - For Coporate Sustainable Development” – bộ chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp. Tại Việt Nam, CSI được biết đến là bộ công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững đã được triển khai thành công, và nhận được sự ghi nhận từ cả cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ, cũng như đã được đưa vào các chính sách phát triển bền vững doanh nghiệp của Chính phủ trong những năm gần đây.
Bên cạnh bộ chỉ số chung có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, CSI cũng đã được tùy chỉnh và cụ thể hóa thành những bộ chỉ số CSI riêng cho các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam như thủy sản; da giày, túi xách và trong tương lai sẽ hướng đến các ngành khác. Đây là mô hình thực tiễn tốt có thể nhân rộng trong ASEAN.
Các thành viên ASEAN BAC đã rất hoan nghênh dự án này, đánh giá cao tính thực tiễn và cấp thiết của CSI, và bày tỏ mong muốn hợp tác với ASEAN BAC Việt Nam trong việc triển khai dự án tại các nước ASEAN.
Thông qua Ban thư ký ASEAN BAC quốc tế, chúng tôi sẽ kết nối với các nước quan tâm để hỗ trợ họ (trước mắt có thể bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Singapore…) xây dựng bộ chỉ số CSI phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Việc ASEAN hóa bộ chỉ số CSI này sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong hợp tác khu vực về phát triển bền vững.
>>>CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững
>>>CSI hỗ trợ nắm bắt cơ hội kinh doanh mới
- Tại Kỳ họp Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp JBC lần thứ 21, các bên đã thống nhất chương trình hợp tác nào giữa ASEAN BAC và JBC năm 2023, thưa ông?
Các thành viên ASEAN BAC đã góp ý đối với kế hoạch hoạt động của các Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp. Đặc biệt, Hội đồng doanh nghiệp ASEAN Canada và ASEAN - Nhật Bản đều có kế hoạch phối hợp với VCCI/ASEAN BAC Việt Nam để triển khai hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt để đánh dấu 50 thiết lập quan hệ ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản.
VCCI sẽ phối hợp với JCCI, AMEICC, JETRO và Hội đồng doanh nghiệp ASEAN-Nhật Bản để tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023 tại Hà Nội ngày 15/2/2023. Hội đồng doanh nghiệp ASEAN - Canada sẽ liên lạc sau với VCCI để thảo luận kế hoạch tổ chức hoạt động chung.
Tôi khẳng định sự ủng hộ của VCCI đối với Hội đồng doanh nghiệp ASEAN Canada và ASEAN - Nhật Bản, và đã đóng góp một số ý kiến để nâng cao hiệu quả hợp tác và tính lan tỏa cũng như tác động của các hoạt động dự kiến triển khai ở Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với 02 Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp (JBC) trên.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
CSI là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững
22:13, 01/12/2022
VBII và CSI - “chiếc áo giáp” bảo vệ doanh nghiệp
11:14, 22/09/2022
CSI hỗ trợ nắm bắt cơ hội kinh doanh mới
10:11, 25/08/2022
CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững
03:00, 27/05/2022
CSI 2022: Thước đo tính bền vững của doanh nghiệp
04:21, 26/05/2022
CSI là "chìa khóa" của tất cả các doanh nghiệp
04:30, 22/07/2021