Lan toả Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).
>>>Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: CSI 2023 sẽ được điều chỉnh theo chuẩn ESG và chuẩn mực quốc tế, cập nhật các yêu cầu pháp lý và xu hướng phát triển vững mới và sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn trong khối ASEAN. Năm 2022 là một năm ghi nhận nhiều thành công trong hoạt động của VBCSD. Số lượng hội viên mới gia nhập đông nhất từ trước đến nay (với 10 thành viên chính thức) – điều này cũng cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đến phát triển bền vững. Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) lần thứ 7, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 9 liên tiếp đã được tổ chức thành công với sự đánh giá cao của Ban Kinh tế trung ương.
VBCSD cũng tiên phong xây dựng Bộ chỉ số Khu công nghiệp bền vững; cùng hàng loạt các hoạt động hợp tác với các đối tác trong, ngoài nước đã được triển khai liên quan đến thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành ESG (khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị), nâng cao quyền năng phụ nữ, quyền trẻ em trong kinh doanh, kiểm kê phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tất cả những hoạt động này đều được các thành viên Ban Thường trực VBCSD ghi nhận và đánh giá rất cao bởi “đi đúng, đi trúng” những lĩnh vực không chỉ thành viên VBCSD mà cả cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến kinh doanh bền vững đang ưu tiên hiện nay.
- Vậy xin ông cho biết những những hoạt động trọng điểm của VBCSD trong năm 2023?
Năm 2023 sẽ là năm VBCSD bước sang nhiệm kỳ hoạt động thứ V (2023-2026). Do đó, một trong những hoạt động trọng điểm trong năm nay chính là Kỳ họp Ban chấp hành VBCSD dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 4. Kỳ họp sẽ bầu ra Ban Thường trực mới, xác định những chiến lược phát triển, hoạt động mới trên cơ sở kế thừa những thành tựu và sức mạnh vốn có để tạo ra những giá trị mới cho các thành viên VBCSD cùng các bên liên quan.
>>>Sáu xu hướng phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử
>>>VBF 2023: VCCI kiến nghị 6 nội dung để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững
Các lĩnh vực cốt lõi, bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác, Chương trình CSI, Diễn đàn VCSF tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện. Để tăng cường tính lan tỏa cho các hoạt động của Hội đồng, cũng như thu hút đông đảo hơn các doanh nghiệp tham gia, VBCSD sẽ tăng cường việc hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và hiệp hội doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam, đồng thời mời các hiệp hội tham gia Thành viên Hội đồng. Bên cạnh đó, VBCSD cũng sẽ từng bước khởi động lại mô hình các nhóm công tác linh hoạt theo các lĩnh vực ưu tiên hiện nay như: quản trị doanh nghiệp bền vững dựa trên thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng.
- Ông vừa nhắc đến thực hành ESG, đây rõ ràng là một xu thế mà doanh nghiệp ngày càng quan tâm. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì để triển khai hiệu quả nội dung này và VBCSD có kế hoạch như thế nào để thúc đẩy thực hành ESG?
Hiện nay có 2 thách thức chính đối với các doanh nghiệp trong nước khi thực hành ESG. Vấn đề đầu tiên nằm ở chính nhận thức của các lãnh đạo doanh nghiệp: ESG không phải là lựa chọn, mà là một xu thế tất yếu, đồng thời cũng là cơ hội cho chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam càng sớm thực hành ESG, thì càng nhanh chóng tạo ra được lợi thế cạnh tranh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Một thách thức khác chính là ESG mới chỉ dừng ở mức độ tuân thủ, chưa gắn quản trị công ty với các tác động của môi trường – xã hội và cộng đồng. Khi khắc phục những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ áp dụng ESG hiệu quả hơn.
Mới đây, VBCSD đã khởi động chuỗi Trao đổi chuyên đề “Sustainability Talk” với nội dung đầu tiên về “ESG trong phát triển bền vững doanh nghiệp”. Những buổi trao đổi này sẽ tạo cơ hội cho các thành viên và các đối tác trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thành viên VBCSD được cập nhật các xu thế trong kinh doanh bền vững từ các chuyên gia, chia sẻ các thông lệ tốt, những khó khăn và giải pháp tháo gỡ khi triển khai các hoạt động phát triển bền vững tại chính doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, những buổi trao đổi và đào tạo sâu hơn về ESG sẽ được tổ chức, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp thực hành ESG. Đồng thời, Hội đồng sẽ thành lập nhóm công tác linh hoạt về ESG, thực hiện các nghiên cứu, kiến nghị chính sách về ESG, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp bền vững dựa trên tích hợp ESG.
- Thực tế cho thấy, những năm gần đây Chương trình CSI đã tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, năm nay VBCSD sẽ định hướng triển khai chương trình như thế nào thưa ông?
Chương trình CSI 2023 sẽ tiếp tục được tổ chức theo hướng bài bản, nghiêm túc, khuyến khích và hỗ trợ tối đa nhằm tạo điều kiện cho đông đảo doanh nghiệp hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia Chương trình nói chung và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong công tác quản trị doanh nghiệp nói riêng. Mới đây, chúng tôi cũng đã tiến hành họp nhóm chuyên gia để thảo luận việc cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số CSI 2023.
Định hướng chung là CSI 2023 sẽ được điều chỉnh hình thức theo chuẩn ESG và chuẩn mực quốc tế, cập nhật các yêu cầu pháp lý và xu hướng phát triển vững mới, lượng hóa tối đa các chỉ số, và điều chỉnh để hàm lượng các chỉ số sâu hơn, độ bao phủ rộng hơn.
Cũng xin chia sẻ thêm trong thời gian tới đây Bộ chỉ số CSI sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn trong khối ASEAN. Là Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, tôi đã giới thiệu Chương trình CSI là dự án di sản mà Việt Nam triển khai. Các thành viên ASEAN BAC đã rất hoan nghênh dự án này, đánh giá cao tính thực tiễn và cấp thiết của CSI, và bày tỏ mong muốn hợp tác với ASEAN BAC Việt Nam trong việc triển khai dự án tại các nước ASEAN.
Thông qua Ban thư ký ASEAN BAC quốc tế, chúng tôi sẽ kết nối với các nước quan tâm để hỗ trợ họ xây dựng bộ chỉ số CSI phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Việc ASEAN hóa bộ chỉ số CSI này sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong hợp tác khu vực về phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm