Gỡ điểm nghẽn tăng trưởng xanh
Là quốc gia đang phát triển nhưng Việt Nam đã sớm tiếp cận mô hình tăng trưởng xanh. Đây là động lực để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực bắt kịp xu thế toàn cầu.
>> VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF cho biết, Việt Nam đặt ra những mục tiêu phát triển cao. Để giữa thế kỷ này trở thành quốc gia phát triển văn minh hiện đại, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và xanh với mức tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6-7%/năm; lấy công nghệ xanh, tăng trưởng xanh là phương hướng chủ đạo.
Cơ hội lớn
Đặc biệt, tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26 thể hiện quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết, đóng góp của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu, biến đổi khí hậu và môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu, cam kết quan trọng này.
Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế Thomas Jacobs nhấn mạnh đến sự cần thiết của các doanh nghiệp tư nhân chung tay cùng khu vực công hiện thực hoá cam kết tại COP26, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050. Dẫn Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần có thêm 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040, Thomas Jacobs cho rằng, một nửa phần này (khoảng 184 tỷ USD) cần có từ khu vực tư nhân.
Mục tiêu phát triển trên tạo ra cơ hội và không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Gregory Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 và phát triển kinh tế xanh là động lực trong những năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã nhìn thấy những cơ hội và mong muốn đầu tư vào Việt Nam,trong đó, năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.
Ông Arnaud Ginolin - đại diện Boston Consulting Group chia sẻ: Việt Nam đang đón nhận sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu, nhiều nhà máy đang được xây dựng và nhu cầu lớn về năng lượng xanh. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam nên dành cho năng lượng. Tập đoàn đang chờ đợi cơ hội đầu tư để mang đến những kinh nghiệm, tri thức của người đi trước góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh nhanh hơn.
>> VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh
Thách thức nhiều
Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng cũng chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Để khuyến khích tăng trưởng xanh, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện nay, mức độ hiểu biết, quy định môi trường; mức độ đầu tư cho đổi mới, thực hành xanh của doanh nghiệp Việt Nam mới ở mức độ khởi đầu; mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp chưa cao do khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh” rất lớn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường; 37% doanh nghiệp tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương…
Từ thực tế trên, VCCI kiến nghị Chính phủ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh với sự tham gia của doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi; có chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh…
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 22/03: Thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững
04:40, 22/03/2023
VBF 2023: Tăng trưởng xanh, bền vững là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong
16:59, 19/03/2023
VBF 2023: Cộng đồng Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh
16:21, 19/03/2023
VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh
10:19, 19/03/2023
VBF 2023: Tăng trưởng xanh là cơ hội để Việt Nam bứt phá phát triển
10:09, 19/03/2023
VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh
12:46, 17/03/2023
Hải Phòng kỳ vọng về tăng trưởng xanh nhờ đầu tư từ Nhật Bản
10:43, 28/02/2023