Sáng kiến nâng tầm doanh nghiệp Việt đạt "chất lượng Đức"
Triển khai tại Việt Nam từ 2008, Chương trình Đào tạo Nhà quản lý do GIZ tài trợ đã đóng góp to lớn vào thương mại song phương và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp phái đoàn Đức do ông Andreas Nicolin, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư, Bộ Kinh tế và Biến đổi Khí hậu CHLB Đức (BMWK), dẫn đầu để thảo luận về Chương trình Đào tạo Nhà quản lý (Manager Training Programme - MTP).
Chương trình Đào tạo Nhà quản lý, do chính phủ Đức và Cơ quan phát triển quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, là một trong những hợp tác song phương lâu đời nhất giữa Việt Nam và CHLB Đức. Năm 2023 đánh dấu năm thứ 15 Việt Nam tham gia chương trình này.
>>Năng lượng tái tạo xanh, xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững
Thông qua chương trình, một nhóm các lãnh đạo, nhà quản lý các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được sang Đức để chia sẻ và học hỏi các kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp từ các đối tác, công ty Đức. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để phía Việt Nam liên kết, tìm kiếm các đối tác tiềm năng để nâng cao thương mại song phương.
Cho tới nay, chương trình đã đào tạo cho hơn 700 lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như May10. 80% các doanh nghiệp báo cáo đã có thay đổi trong cách thức vận hành, với gần 30% nâng cao được năng suất, hay 20% thu hút thêm khách hàng. Không chỉ cải thiện năng lực hoạt động, chương trình cũng giúp tạo thêm nhiều cầu nối để đưa thương mại song phương hai chiều lên mức 6,2 tỷ USD hiện nay.
Mặc dù bị cản trở bởi hai năm dịch Covid, chương trình năm 2023 đã được nối lại với nhiều cải tiến về hình thức và nội dung. Bên cạnh việc bổ sung hình thức đào tạo trực tuyến như một giải pháp trong thời dịch Covid, chính phủ và đối tác Đức cũng đã cập nhật vào nội dung đào tạo những xu hướng kinh doanh mới như chuyển đổi số và năng lượng xanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Hùng Cường đánh giá cao cam kết lâu dài của chính phủ Đức, GIZ và các doanh nghiệp Đức trong hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn phía Đức tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình này tại Việt Nam, đặc biệt là kéo dài thêm thời gian học tập tại Đức để các thành viên có thêm thời gian nghiên cứu và học cách vận hành doanh nghiệp chuyên nghiệp của Đức.
Ngoài ra, lãnh đạo Vụ Kinh tế Đối ngoại cũng đề xuất phía Đức mở rộng thêm các lĩnh vực đào tạo như y tế và giáo dục để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như chuyển đổi năng lượng.
Là đại diện của hơn 200.000 doanh nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đồng hành với GIZ và các cơ quan chính phủ Việt Nam và CHLB Đức trong suốt 15 năm triển khai chương trình. Trong những năm tới, đơn vị này tiếp tục là nơi tiếp nhận và chọn lọc các doanh nghiệp có tiềm năng nhất để tham gia chương trình MTP.
>>VCCI và Citibank cam kết trở thành cầu nối vững chắc cho hợp tác doanh nghiệp Việt - Mỹ
Ông Hoàng Văn Anh, Phó trưởng ban Hội viên và Đào tạo VCCI, bày tỏ sự vui mừng trước sự hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam và CHLB Đức, đặc biệt là giữa VCCI và GIZ. Qua đó, ông mong muốn hai bên có thể thảo luận thống nhất các phương thức mới để triển khai chương trình MTP rộng rãi hơn nữa cho giới doanh nhân Việt Nam.
Bà Katharina Jacobsen, Giám đốc Cấp cao Chương trình MTP tại Việt Nam, GIZ, cho rằng, bất chấp tác động to lớn của đại dịch đến chương trình, hai bên đã tìm ra nhiều cách thức để vượt qua và từng bước đạt được những thành công lớn hơn trước. Mục tiêu của năm 2023 sẽ là gia tăng sự kết nối doanh nghiệp giữa hai nước hơn nữa, vốn sụt giảm mạnh do đại dịch và tác động của chiến sự Nga - Ukraine.
Giám đốc chương trình MTP đánh giá Việt Nam luôn là thị trường quan trọng của Đức tại khu vực với tiềm năng vô cùng to lớn. Thương mại hai chiều tuy có cải thiện nhưng tiềm năng vẫn là rất lớn. Trong tương lai, sự hợp tác giữa hai nước có thể nở rộ với những động lực trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Trong đó, vai trò hỗ trợ của các cơ quan chính phủ Việt Nam và VCCI, sẽ góp phần vô cùng quan trọng để tiếp tục đưa cộng đồng doanh nghiệp hai nước lại gần nhau hơn.
Có thể bạn quan tâm