Hành trình 15 năm chương trình đào tạo quản trị doanh nghiệp tại CHLB Đức

LÊ HÀ 10/04/2023 11:51

Chương trình đào tạo quản trị doanh nghiệp cao cấp tại CHLB Đức là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận không giới hạn và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức.

>>> Khóa đào tạo về đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư

Hoàng Văn Anh– Phó Trưởng ban Hội viên và đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phụ trách chương trình đào tạo quản trị cấp cao tại Việt Nam

Ông Hoàng Văn Anh– Phó Trưởng ban Hội viên và đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phụ trách chương trình đào tạo quản trị cấp cao tại Việt Nam

Sau đúng 15 năm triển khai chương trình đào tạo quản trị cao cấp tại CHLB Đức với Việt Nam, nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, HAPRO, SATRA, Generalexim 1,…đã có đại diện tham dự, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong nâng cao năng lực cho 729 lãnh đạo cấp trung - cao. Đánh giá cao về những gì thu được từ chương trình đào tạo này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã trao đổi với ông Hoàng Văn Anh - Phó Trưởng ban Hội viên và đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phụ trách chương trình này tại Việt Nam về các nội dung có liên quan:

- Được biết chương trình đào tạo quản trị doanh nghiệp cao cấp tại CHLB Đức sẽ họp Ban Chỉ đạo đánh giá quá trình thực hiện giai đoạn 5 vừa qua và kế hoạch cho giai đoạn 6 từ 2022-2024, xin ông chia sẻ thông tin về chương trình đào tạo này?

Chương trình đào tạo quản lý cho doanh nghiệp do phía Đức thực hiện đã được 25 năm (từ 1998) và hiện có 22 quốc gia thuộc các Châu lục tham gia thực hiện với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tại các nước đối tác của Đức trong tiếp cận thông tin và kết nối với các doanh nghiệp Đức thông qua hoạt động đào tạo, kết nối doanh nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế của học viên và các đối tượng tham gia chương trình. Có 2 nội hàm tiếp cận trong thực hiện chương trình khi bạn triển khai: Phù hợp cho phát triển hợp tác (Fit for partnership) ; và Phù hợp cho quan hệ hợp tác kinh doanh (Fit for business)

Việt Nam tham gia chương trình từ tháng 3/2008, được ký kết nhân chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, là năm thứ 10 bạn thực hiện chương trình, đơn vị thực hiện phía Đức trước đây là Cơ quan hợp tác nâng cao năng lực quốc tế - InWent, nay là Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Đức - GIZ, phía Việt Nam là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành 5 giai đoạn, chia theo 3 năm/giai đoạn. Cơ quan thuộc Chính phủ hai nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Chống biến đổi khí hậu Liên bang Đức (Khi ký là Bộ Kinh tế và Công nghệ, sau đổi thành Bộ Kinh tế và Năng lượng, nay là Bộ Kinh tế và Chống biến đổi khí hậu) thành lập Ban Chỉ đạo chương trình để trao đổi, thống nhất các nội dung hợp tác và chỉ đạo các cơ quan thực hiện hai nước tiến hành các nội dung công việc theo yêu cầu của chương trình một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất, góp ý kiến về nội dung và cách thức thực hiện chương trình của đơn vị thực hiện….

Lễ ký kết giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước

Lễ ký kết giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước

Cho đến nay, chương trình đã trải qua chặng đường 15 thực hiện tại Việt Nam, gia hạn 5 lần cho 6 giai đoạn và hiện đang trong giai đoạn thứ 6 từ 2022-2024. Ngày 30/3/2023, Ban Chỉ đạo chương trình thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Chống biến đổi khí hậu Liên bang Đức đã họp tại Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn vừa qua và thống nhất các hoạt động thực hiện trong thời gian tới.

- Mặc dù số lượng học viên được theo học không nhiều nhưng khoá học được đánh giá cao về hiệu quả, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả thu được qua chương trình này trong những năm qua, thưa ông?

Chương trình được thực hiện thông qua hoạt động đào tạo (gồm 3 hạng mục: Đào tạo tại Việt Nam, học tập tại Đức, hội thảo cập nhật kiến thức – Follow up) kết hợp hoạt động Hội thảo dành cho Cựu học viên, hoạt động kết nối doanh nghiệp trước, trong và sau khi học tại Đức. VCCI và GIZ chịu trách nhiệm tuyển chọn học viên dựa trên các ứng viên có nhu cầu và khả năng tham gia chương trình, tổ chức thực hiện các chương trình nêu trên.

Tính đến tháng 3/2023, chương trình đã tổ chức được 49 khóa đào tạo, bao gồm 31 khóa thông thường (100% học viên Việt Nam) và 17 khóa quốc tế (Học chung với học viên các nước khác), 1 khóa theo đơn đặt hàng năm 2019 của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức về y tế trên cơ sở các kết quả do phía Việt Nam thực hiện được, nguồn hỗ trợ từ sáng kiến hỗ trợ xuất khẩu của Đức (Export initiatives). Tổng cộng đã có 729 học viên Việt Nam tham gia các khóa học này. Chi phí cho học viên tại Đức phía bạn đài thọ, chi phí vé đi về giữa Việt Nam và Đức, tại Việt Nam, học hay tham gia các hoạt động tại Việt Nam… do học viên tự thu xếp.

Các khoá học được VCCI triển khai tại Việt Nam

Các khoá học được VCCI triển khai tại Việt Nam 

Trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình, VCCI cũng đã phối hợp với GIZ tổ chức 14 đợt hội thảo cập nhật kiến thức cho các khóa học trên cơ sở phối hợp với trung tâm đào tạo của Đức (Mỗi khóa sẽ do 1 trung tâm đào tạo phụ trách), 10 đợt Hội thảo (Mội đợt có 3 - 4 hội thảo riêng và 1 hội thảo chung) dành cho các Cựu học viên chương trình nhằm trao đổi về các vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân, kinh nghiệm quản lý, quản trị, tiếp cận thị trường Đức và các cách thức tiếp cận mới với đối tác, thị hiếu, khách hàng….

>>> Đào tạo nhân lực công nghiệp hỗ trợ

Với số lượng cựu học viên của chương trình tính đến hết tháng 3/2023 đạt con số 729 học viên, mặc dù không phải là lớn nhưng đây là cộng đồng có khá nhiều đặc tính vượt trội: Năng động, 100% có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, giữ vị trí lãnh đạo ít nhất ở cấp trung trở lên, hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực và đại diện tại hầu hết các tỉnh thành của cả nước. Để duy trì tính bền vững và tầm ảnh hưởng của chương trình trong cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã thúc đẩy các cựu học viên tự xây dựng mô hình Câu lạc bộ cựu học viên GIZ qua đó đã tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối, hội nghị, hội thảo của riêng cựu học viên nhằm tập hợp, duy trì sự kết nối các cựu học viên của chương trình, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác, kinh doanh.

Bản thân các cựu học viên của chương trình đã xây dựng các cơ cấu tổ chức riêng của nhóm nhằm mục đích duy trì quá trình kết nối kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác Đức, nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối doanh nghiệp… Các học viên đã tham gia chương trình cũng đã xây dựng các mô hình hoạt động riêng như thành lập công ty riêng của Khóa (G18 chuyên về giàn giáo) hay của Câu lạc bộ Cựu học viên (GIZ-VCCI Alumni Network - GVA), Công ty của một số thành viên tích cực (GIZA) các nhóm công tác theo ngành hàng, chia sẻ các cơ hội hợp tác kinh doanh trong nội bộ cộng đồng…

Học viên các khoá đào tạo quản trịp/doanh nghiệp cao cấp tại các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp tư

Học viên các khoá đào tạo quản trị DN cao cấp tại các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp tư

Học viên không chỉ thiết lập được quan hệ với đối tác Đức mà còn thiết lập các quan hệ hợp tác nội bộ, nhiều hợp đồng hay mô hình hợp tác đã được chính các học viên xây dựng dựa trên quá trình cùng học tập nghiên cứu tại Đức. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế như hiện nay, qua kênh hợp tác này các doanh nghiệp Việt còn mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, chương trình được phía bạn đánh giá cao và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp. Nhiều nhãn hàng, sản phẩm Đức thông qua chương trình đã xuất hiện tại Việt Nam như Prospan, Bittberger, Doppleherz, các thiết bị đo lường kiểm định chất lượng, công nghệ điều khiển… của Đức hay các hàng hóa nông sản, sản phẩm cơ khí, tiêu dùng của Việt Nam đã tìm được thị trường và đối tác tại Đức. Một số doanh nghiệp đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm từ chính kết quả thu được khi tham gia chương trình.

- Các khoá đào tạo trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, trên cơ sở thống nhất với GIZ, VCCI đang tiến hành tuyển chọn ứng viên cho 3 khóa thông thường năm 2023 (Các khóa 35, 36 và 37) và 2 khóa quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 75 học viên sẽ tham gia hoạt động đào tạo của chương trình năm 2023. Vừa qua, trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, bạn đề nghị VCCI tổ chức thêm 1 khóa vào tháng 11/2023 và sẽ giữ đề xuất 4 khóa thông thường/năm đối với lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo.

Điểm đặc sắc của chương trình là không chỉ nâng cao năng lực cho người tham gia mà còn dành cơ hội cho phát triển quan hệ hợp tác, đối tác với doanh nghiệp bạn. Trong mỗi khóa học, học viên có khoảng 2 tuần để thực hiện việc gặp gỡ trao đổi, đàm phán ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việt Nam là nước duy nhất trong tổng số 22 quốc gia đối tác được phía bạn triển khai hoạt động hội thảo, kết nối dành cho cựu học viên. Với VCCI, học viên của chương trình này cũng được VCCI ưu tiên trong giới thiệu tham gia các chương trình đào tạo, hội nghị hội thảo khác dựa trên các đặc tính nổi trội của họ. Hàng năm có khoảng 30 - 50 cựu học viên của chương trình được giới thiệu tham gia các chương trình tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay mời tham gia các sự kiện đối ngoại quan trọng khác do VCCI chủ trì thực hiện. Khi có các hoạt động đối ngoại của phía bạn tại Việt Nam, cộng đồng học viên của chương trình luôn có vị trí ưu tiên tham gia, đồng hành và phối hợp triển khai các hoạt động bên lề.

Thực tế trong 3 năm vừa qua khi thế giới chịu ảnh hưởng với đại dịch COVID 19, các hoạt động của chương trình theo mô hình truyền thống trước đây đang được đánh giá và điều chỉnh. Chúng tôi là đối tác duy nhất phối hợp với GIZ thực hiện được 4 khóa đào tạo online và đã phối hợp hỗ trợ học phần kết thúc khóa tại Đức cho các khóa trong các năm 2021 và 2022. Khóa 34 đang sắp kết thúc chương trình, các khóa còn lại chúng tôi bắt đầu tuyển sinh, như vậy sẽ có gần 100 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia chương trình năm nay và trong các năm tiếp theo.

Họp Ban Chỉ đạo sắp tới cũng sẽ có điều chỉnh về nội dung, cách thức, thời lượng thực hiện chương trình sao cho học viên được tạo cơ hội tốt nhất không chỉ nâng cao năng lực mà còn cụ thể hóa được các tiềm năng, cơ hội và ký kết các hợp đồng hợp tác, kinh doanh. Sau 3 năm phải thực hiện trực tuyến một số nội dung, chúng tôi sẽ xem xét lại cách thức thực hiện từ tuyên truyền, quảng bá, tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn, thu xếp học tại Việt Nam và Đức, mở rộng mạng lưới cựu học viên… nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của VCCI, nâng cao hiệu quả của chương trình và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức.

Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận không giới hạn, yêu cầu ứng viên phải trao đổi được bằng tiếng Anh, có ý tưởng, dự án, tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác với đối tác Đức, nếu mỗi doanh nghiệp có nhiều ứng viên đáp ứng yêu cầu, chúng tôi sẽ tạo điều kiện lần lượt do mỗi khóa nên chỉ có 1 đại diện doanh nghiệp tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI Nghệ An tổ chức giải “Golf doanh nhân Sông Lam” để ủng hộ người nghèo

    16:35, 09/04/2023

  • VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA

    02:35, 09/04/2023

  • VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tìm kiếm thị trường mới

    00:45, 06/04/2023

  • VCCI và Citibank cam kết trở thành cầu nối vững chắc cho hợp tác doanh nghiệp Việt - Mỹ

    16:40, 04/04/2023

  • VCCI ký khung hợp tác quốc gia việc làm thoả đáng

    08:28, 29/03/2023

  • VCCI đồng hành cùng Kon Tum nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

    02:14, 23/03/2023

LÊ HÀ