Đồng Tháp lan tỏa tinh thần cải cách
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: Đồng Tháp lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
>>>PCI 2022: Lý giải việc Đồng Tháp duy trì vị trí đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Theo báo cáo PCI năm 2022 của VCCI, năm nay Đồng Tháp có tổng điểm là 69,68 điểm, đứng thứ 5 cả nước và có 15 năm liên tục nằm trong TOP 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. So với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu khu vực.
Xây dựng chính quyền thân thiện
Điểm nổi bật của PCI của Đồng Tháp năm nay đó là tỉnh có đến 02 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước, gồm: chỉ số Tiếp cận đất đai (7,94 điểm) và chỉ số Tính minh bạch (7,10 điểm). Chỉ số Tính năng động của chính quyền đứng thứ 2 và chỉ số Chi phí thời gian đứng thứ 3 cả nước.
Thời gian qua, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân. Chính quyền tỉnh được đánh giá rất cao về tính năng động và tiên phong trong điều hành kinh tế. Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều cách làm hay thể hiện sự năng động và sáng tạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ công, ví dụ như mô hình “Ngày thứ 7 chứng thực 4.0 và trả kết quả tại nhà” hay “Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại nhà”.
Đồng Tháp cũng xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương: “Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo”; xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp… Tỉnh cũng đã triển khai mô hình “Không gian hành chính phục vụ” nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Không gian này được thiết kế theo hướng thân thiện, gần gũi với người dân, doanh nghiệp với cách thức hoạt động gợi nhớ đến mô hình “Cà phê doanh nhân” rất thành công của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao về các nỗ lực tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Tỉnh đang vận hành tốt Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư; đồng thời hoạt động hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-ĐồngTháp đến tổng đài của địa phương. Với những nỗ lực này, Đồng Tháp trở thành một trong những địa phương đạt thứ hạng cao trong một số chỉ tiêu phản ánh tính minh bạch như tiếp cận tài liệu pháp lý (xếp thứ 2/63), tiếp cận tài liệu quy hoạch (xếp thứ 7/63) hay chất lượng cổng thông tin điện tử của tỉnh (xếp thứ 7/63)…
>>>PCI 2022: 18 năm kiên định sứ mệnh “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
>>>PCI là “con số biết nói” tạo động lực thúc đẩy cải cách
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến phương thức làm việc với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh cũng tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… Đồng Tháp cũng đã ban hành Bộ Chỉ số DDCI và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tạo sự lan tỏa tinh thần cải cách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, Đồng Tháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho chính mình, để lắng nghe, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy định cũng như phương thức lãnh đạo của chính quyền nhằm phù hợp với thực tế, mong muốn của doanh nghiệp, người dân.
Trong năm 2022, Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 78 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó, có 22 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 4.079 tỷ đồng, tăng 37,5% số dự án và tăng 95,2% về số vốn so với năm 2021. Công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh có 738 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.411 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 4.913 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng quý I/2023 toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đầu tư hơn 939 tỷ đồng.
Với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Đồng Tháp xác định mục tiêu chính của việc cải thiện môi trường đầu tư vì “sự lớn mạnh và thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp”, đây là nhân tố rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong công tác kêu gọi đầu tư của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
PCI 2022: Lý giải việc Đồng Tháp duy trì vị trí đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
04:51, 20/04/2023
PCI 2022: Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện
10:24, 11/04/2023
PCI 2022: Thước đo “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
04:58, 12/04/2023
PCI 2022: Doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường
10:06, 11/04/2023
PCI 2022 – Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó tiếp cận tín dụng
09:35, 11/04/2023