Quảng Ninh: Giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững
Tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành phân tích chuyên sâu kết quả PCI, các chỉ số tăng điểm, thăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng để tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững.
>>>DDCI Hải Phòng 2022, nhiều bứt phá
Nhìn nhận thực tế...
Theo báo cáo kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Quảng Ninh giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt 72,95 điểm.
Theo các chuyên gia nhận định, Quảng Ninh là một trong những địa phương mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính của Quảng Ninh được thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ, các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm Hành chính công. Tỉnh Quảng Ninh đang hướng đến chuyển đổi quy trình này sang 5 bước trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, dù duy trì ở vị trí dẫn đầu cả nước, nhưng PCI Quảng Ninh 2022 giảm 0,07 điểm so với năm 2021. Một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra; một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần và các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu còn chưa thực sự nhuần nhuyễn và thường xuyên.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ kết quả bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần cho thấy, về điểm số, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 6/10 chỉ số giảm điểm gồm: Chi phí Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Về xếp hạng, có 5/10 chỉ số tăng hạng gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động; 5/10 chỉ số giảm hạng gồm: Chi phí Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Việc tiến hành phân tích chuyên sâu chỉ số PCI này đã giúp Quảng Ninh rút ra những bài học, nguyên nhân của những điểm hạn chế, yếu kém từ thực tiễn trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, đưa ra giải pháp để Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS và PAPI.
Khuyến nghị về các kết quả còn thấp của từng chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI Quảng Ninh, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký VCCI cho biết, chi phí gia nhập thị trường có xu hướng tǎng; thời gian thanh, kiểm tra và thực hiện các TTHC kéo dài, doanh nghiêp vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức; môi trường cạnh tranh chưa thuc sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tính năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh có xu hướng giảm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện...
Còn theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả của từng chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI là sự phản ảnh mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chính quyền. Mặc dù đứng đầu nhưng số điểm lại thấp hơn năm trước. Điều này cho thấy, yêu cầu của động đồng doanh nghiệp với sự điều hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh ngày càng cao hơn và mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan quản lý.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Thực tế, những năm qua, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh có được kết quả tích cực, thực tiễn công tác điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá và ghi nhận cao. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách chưa được lấp đầy; những khó khăn, vướng mắc và cả những trăn trở mà doanh nghiệp cần tháo gỡ chưa được giải quyết; những kỳ vọng, mục tiêu cần hướng tới chưa đạt được.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh tại không thể hài lòng với kết quả hiện, mà phải xác định cần nỗ lực nhiều hơn. Với phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên” và không tự chủ quan, tự thỏa mãn, chủ động nhận diện ra những khó khăn, thách thức để tìm cách giải quyết, Quảng Ninh cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những thành công.
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 72,95 lên 73,98 điểm, tăng 1,03 điểm so với năm 2022. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Cao Tường Huy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần nhận thức rõ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành và tham mưu, phối hợp triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo gắn chất lượng, hiệu quả với công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thủ trưởng các sở, ngành được giao chủ trì chỉ số thành phần PCI phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm cơ quan mình.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, cạnh tranh làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững; thúc đẩy liên kết vùng; thu hút đầu tư có chọn lọc, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Cũng theo ông Huy, các cấp, ngành, địa phương cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu sâu hơn, thực chất hơn về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, PCI, DDCI, hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Về phía các Hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong đánh giá triển khai PCI, DDCI. Tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng... phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kịp thời tháo gỡ.
Có thể bạn quan tâm