VCCI cùng doanh nghiệp nỗ lực thực hiện mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”
Đó là chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Lễ công bố và trao chứng nhận Hội viên chính thức cho các doanh nghiệp mới đây.
>>>Doanh nghiệp Ba Lan mong muốn cùng VCCI HCM tìm kiếm cơ hội hợp tác
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của mình, VCCI đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh. Đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, tháng 12/2021, VCCI đã tiến hành Đại hội lần thứ 7 và đến tháng 11/2022, VCCI đã chính thức đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cũng tại Đại hội 7, VCCI đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 mục tiêu đột phá. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, VCCI xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là góp phần vào việc xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá, đây là một nhiệm vụ rất cấp bách và trong những năm qua, VCCI đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó, cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, phấn đấu để môi trường kinh doanh của Việt Nam tương đương như môi trường kinh doanh của các nước trong tốp 4 của Asean như Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
“Trong những năm qua, VCCI đã đóng góp quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện qua việc kiến nghị các cơ quan của Chính phủ cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đã cắt giảm được trên 50% các điều kiện kinh doanh. Và hiện nay, VCCI cũng đang tiếp tục kiến nghị để gỡ bỏ nhiều hơn nữa các rào cản làm cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Thành cho biết, hàng năm VCCI cũng thực hiện đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đây là chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc điều hành cũng như môi trường kinh doanh tại các địa phương. Chỉ số này cũng đã được Chính phủ đưa vào các Nghị quyết và trở thành chỉ tiêu phấn đấu của các địa phương.
Nhiệm vụ thứ hai, VCCI xác định là nâng cao hiệu quả của Hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI đã thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi, theo ông Thành, Việt Nam hiện đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc đã ký kết trên 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTTP, GCEP…
Ngoài ra, độ mở nền kinh tế của Việt Nam cũng rất lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 1 năm đạt khoảng gần 700 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam khoảng trên 400 tỷ USD. Do đó, VCCI xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giúp cho các doanh nghiệp hội nhập và phát huy những lợi thế khi tham gia sâu vào quá trình hội nhập, bằng cách tận dụng những ưu đãi của các FTA, qua đó, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để duy trì xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ thứ ba là tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng mối quan hệ kinh tế với nhau. Bởi, theo ông Thành, thị trường trong nước vẫn rất quan trọng. Do đó, cần phải khai thác một cách hiệu quả thị trường nội địa. Và VCCI sẽ góp phần giúp kết nối các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Nhiệm vụ thứ tư là thúc đẩy quá trình xây dựng văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Theo ông Thành, doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh và mạnh. Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh lại chưa theo kịp với tốc độ phát triển về quy mô số lượng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, VCCI xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp.
Nhiệm vụ thứ năm, nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiệm vụ thứ sáu, VCCI xác định để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, VCCI cần phải nâng cao năng lực của tổ chức, đội ngũ cán bộ VCCI, để hoàn thành sứ mệnh cũng như tầm nhìn mà Đại hội 7 của VCCI đã đặt ra.
“VCCI sẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực thực hiện mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Và sứ mệnh của VCCI là hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, văn minh và hội nhập. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển trung bình cao và đến năm 2045, chúng ta sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Ba Lan mong muốn cùng VCCI HCM tìm kiếm cơ hội hợp tác
05:00, 30/05/2023
Đại hội Công đoàn VCCI lần thứ V, nhiệm kỳ 2023–2028
19:59, 25/05/2023
VCCI tuyển giảng viên giảng dạy chứng chỉ BRCGS- Ver 9 và SEDEX-SMETA
16:49, 23/05/2023
VCCI và CACCI kỳ vọng xây dựng nền tảng hợp tác hiệu quả giữa các nền kinh tế
13:23, 22/05/2023
VCCI: Hiện thực hoá giải pháp đổi mới hoạt động công đoàn
21:50, 21/05/2023