Hoà Bình gỡ khó cho doanh nghiệp gắn với nâng cao PCI 2023

Bài và ảnh: QUỐC TUẤN 15/06/2023 14:25

Ngày 15/6/2023, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn với giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023.

>>>Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư vào Hòa Bình

Hội nghị nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình trong việc cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu mỗi năm tăng 3 bậc từ 2023-2025, tạo động lực cho thu hút đầu tư.

Chỉ đạo Hội nghị, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định: Với mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tỉnh Hòa Bình luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh…

Đến với Hòa Bình, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững; tỉnh thực hiện nhất quán quan điểm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.

Ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND (bên trái) và ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì hội nghị và trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp

Năm 2022 đi qua với nhiều kết quả khả quan sau gần 03 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi khá tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,38%, GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 6.410 tỷ đồng; có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%; số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 165 doanh nghiệp; tính đến nay, tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp. Đạt được những kết quả đó có vai trò và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2023 và các năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình đã chọn Chủ đề cho hoạt động xúc tiến đầu tư “Hòa Bình – Điểm đến đầu tư bền vững”. Sở dĩ chọn Chủ đề này bởi vì Hòa Bình nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế tỉnh nhà vẫn chưa phát huy được tiềm năng và nội lực sẵn có; tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều; thu hút đầu tư còn hạn chế; tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng... ông Khánh  nhấn mạnh.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của tỉnh, hướng đến các nguồn lực phát triển mới, từ đó, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động ngày hôm nay cũng là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa Chủ đề năm, cũng như ghi nhận những đóng góp và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về định hướng và kỳ vọng của tỉnh về một năm 2023 đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng sẽ có nhiều thành công.

Đ/c Phạm Anh Quý, GĐ Trung tâm XTĐT, TM và DL Hòa Bình báo cáo

Ông Phạm Anh Quý, GĐ Trung tâm XTĐT, TM và DL Hòa Bình 

Tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn doanh nghiệp, nhà đầu tư:

Thứ nhất, Hòa Bình mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng quản trị và có tầm nhìn chiến lược với những bước đi cụ thể.

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định mục tiêu phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Tôi rất mong các doanh nghiệp chủ động tận dụng những chính sách riêng có này để phát triển hoạt động kinh doanh, đầu tư tại tỉnh Hòa Bình.

Thứ hai, Tỉnh Hòa Bình mong muốn doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong triển khai dự án, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội cao, hướng đến nền kinh tế xanh. Thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, các Hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, chủ động góp ý vào cơ chế, chính sách, đề án, quy hoạch của tỉnh Hòa Bình.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng quyết tâm thay đổi tư duy, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ. Các cấp, sở, ngành, địa phương cần tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc để từng bước cải thiện các chỉ số thành phần để PCI Hòa Bình mỗi năm tăng 3 bậc đúng như chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoà Bình chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

    10:09, 01/06/2023

  • Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư vào Hòa Bình

    18:18, 26/02/2023

  • Sức bật mới của tỉnh Hoà Bình

    10:56, 23/02/2023

  • Hòa Bình phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

    02:30, 20/01/2023

  • Hoà Bình ưu tiên phát triển 4 trụ cột kinh tế

    15:53, 03/12/2022

  • Hòa Bình: Thương hiệu cam Cao Phong với khát vọng vươn xa

    08:41, 27/11/2022

Bài và ảnh: QUỐC TUẤN