Truyền thông “chắp cánh” tăng trưởng xanh
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD khẳng định: cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp để lan tỏa mục tiêu tăng trưởng xanh.
>>>Lan toả Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Vinh mong rằng sẽ ngày càng có nhiều nhà báo, phóng viên đam mê, nhiệt huyết với phát triển bền vững (PTBV), dùng ngòi bút của mình “chắp cánh” đưa câu chuyện phát triển bền vững lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong chiến lược tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn?
Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh đã có cuộc họp và làm việc đầu tiên. Tại đây, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh chiến lược tăng trưởng xanh cần được nhận thức là chiến lược xuyên suốt, khâu nối, điều phối và dẫn dắt các chiến lược, đề án, quy hoạch khác của đất nước hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong số các nhiệm vụ đặt ra để triển khai hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, công tác truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức là 1 trong 18 chủ đề đã được đặt ra trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đồng thời cũng là công tác trọng tâm sẽ được Ban chỉ đạo quốc gia tập trung chỉ đạo trong năm 2023.
Nói như vậy để thấy rằng trong bối cảnh hiện nay chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và để thực hiện thành công chiến lược này thì các cơ quan thông tấn, báo chí chính là cầu nối để thay đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy của xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp về “xanh hóa” nền kinh tế, “xanh hóa” phương thức sản xuất, hay “xanh hóa” lối tiêu dùng, từ đó truyền thông sẽ làm bệ phóng để lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn, sâu rộng hơn các đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cũng như lan tỏa những thông lệ tốt về các giải pháp chuyển đổi xanh, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đến cộng đồng và khuyến khích, tạo cảm hứng, động lực để nhân rộng những điển hình tốt này.
Điều này rất có ý nghĩa khi thời gian và nguồn lực của quốc gia đều hữu hạn khi đứng trước những mục tiêu, cam kết đầy tham vọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được đặt ra.
- Theo ông, đâu là khó khăn trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy doanh nghiệp thực hành chiến lược chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh là sự chuyển đổi mang tính hệ thống. Do đó, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng cần thực hiện xuyên suốt hệ thống.
Để thúc đẩy doanh nghiệp thực hành chuyển đổi xanh hay triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, không có nghĩa là công tác tuyên truyền chỉ nhắm đến đối tượng doanh nghiệp. Thay vào đó, hoạt động truyền thông, thay đổi nhận thức cần bao phủ từ cấp chính quyền, các cơ quan lập pháp – những bên xây dựng hành lang pháp lý, khung chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững, đến xã hội, cộng đồng tiêu dùng – những người đưa ra quyết định tiêu dùng theo lối “xanh” hay “xám”, và cho đến các doanh nghiệp – nhóm đối tượng trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Để thực hiện được đồng bộ, hiệu quả công tác truyền thông đó, rõ ràng chúng ta cũng cần đến một nguồn lực rất lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
>>>Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới
>>>Phát triển kinh tế xanh và bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một điểm mấu chốt cần lưu ý là cần nâng cao năng lực cho chính các phóng viên, nhà báo thực hiện công tác truyền thông về lĩnh vực này. Phát triển bền vững nói chung, hay các vấn đề về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn nói riêng là những lĩnh vực rất mới, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả những quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, những người làm công tác tuyên truyền sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những khái niệm mới, cũng như truyền thông đúng, đủ đến doanh nghiệp và cộng đồng.
- Làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, thưa ông?
Theo tôi, để thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chủ động, tích cực giới thiệu, chia sẻ đến các cơ quan truyền thông không chỉ những mô hình thực tiễn, thông lệ tốt đang được thực hiện, mà còn những khó khăn đang gặp phải để thông qua phương tiện truyền thông đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến các bên liên quan.
Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên cũng cần tích cực cập nhật các thông tin, kiến thức mới về phát triển bền vững. Về khía cạnh này, VBCSD-VCCI đã triển khai sáng kiến xây dựng Mạng lưới Báo chí về PTBV thường niên tổ chức hoạt động tập huấn cho các cơ quan truyền thông về PTBV từ năm 2018.
Đây là hoạt động mà đại diện các cơ quan truyền thông khi tham gia sẽ được phổ biến, cập nhật các chính sách, định hướng PTBV của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam; đồng thời được mời thăm quan trực tiếp mô hình sản xuất- kinh doanh bền vững tại doanh nghiệp. Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, và thúc đẩy các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm.
Năm 2023, VBCSD-VCCI dự kiến sẽ tổ chức hoạt động tập huấn cho các cơ quan truyền thông vào tháng 7 tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai về chủ đề “Doanh nghiệp và Mục tiêu Net Zero: Các giải pháp KTTH và cắt giảm phát thải các-bon”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
VCCI ủng hộ cải tiến ngành nhựa, in ấn và bao bì theo hướng kinh tế tuần hoàn
02:36, 09/06/2023
Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vũng trở thành xu thế tất yếu của thế giới
15:29, 14/06/2023
Phát động Chương trình CSI 2023
11:49, 31/05/2023
CSI thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững
14:32, 02/06/2023