Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand
Dựa vào mối quan hệ giữa hai quốc gia, cộng động doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand cần có những trao đổi, liên kết để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
>>Australia và New Zealand rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) đã có buổi tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam. Buổi gặp mặt có ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng và bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam trong thời gian đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng.
Tại buổi đón tiếp, hai bên cùng nhau chia sẻ tình hình doanh nghiệp, tiềm năng thị trường của hai nước. Thông qua trao đổi, các bên thể hiện mối quan tâm trong việc tìm kiếm cơ hội xúc tiến hợp tác đầu tư, thúc đẩy hoạt động thương mại trong thời gian đến.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Tredene Dobson cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, cũng như những thông tin hữu ích từ VCCI Đà Nẵng. Trên cương vị của mình, bà mong muốn làm cầu nối cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên và đề nghị xây dựng chương trình kết nối doanh nghiệp thông qua nền tảng trực tuyến.
“Đồng thời, để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025, VCCI Đà Nẵng cần phối hợp với các các cơ quan, tổ chức của New Zealand tổ chức các hoạt động kết nối với đoàn doanh nghiệp tại New Zealand đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng”, bà Tredene Dobson nêu đề xuất.
Trao đổi về các vấn đề, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại đầu tư, kết nối doanh nghiệp giữa khu vực miền Trung – Tây Nguyên và New Zealand trong thời gian đến trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, cùng bắt tay phát triển tại các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giáo dục,… Cùng với đó là hợp tác phát triển cảng biển, lĩnh vực logictis, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
Ông Nguyễn Tiến Quang cho rằng các hiệp định thương mại tự do mà hai nước đều là thành viên như Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những cơ sở, cơ hội cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thương mại - đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tuy nhiên, việc vận dụng nhưng cơ hội này của cộng doanh nghiệp hai bên vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là tại khu vực miền Trung – tây Nguyên với New Zerland càng khiêm tốn hơn.
“Vì vậy, rất cần nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh hai bên trong triển khai những giải pháp, hành động cụ thể nhằm khai thác hiệu quả cơ hội này trong thời gian tới”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhìn nhận.
Theo tìm hiểu, New Zealand hiện là một trong đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam về kinh tế, giáo dục. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương hai quốc gia đạt gần 1,3 tỷ USD. New Zealand hiện đang ở vị trí thứ 4 trong top 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn vào Việt Nam với 7% thị phần.
Ngoài ra các mặt hàng thực phẩm, đồ uống cũng chiếm đa số trong cơ cấu hàng hoá nước này xuất sang Việt Nam. Cũng trong năm 2022, New Zealand chính thức mở cửa nhập khẩu các sản phẩm họ cam quýt, tiêu biểu như bưởi, chanh từ Việt Nam, bên cạnh những trái cây đã có mặt tại thị trường này như thanh long, chôm chôm và một số mặt hàng khác.
Về kế hoạch trong tương lai, hai quốc gia đang muốn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa, trong đó có hàng nông sản, để đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào 2024, tức tăng 35% so với 2022.
Có thể bạn quan tâm