VBCSD tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững
Ngày 13/7/2023, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI) đã tổ chức Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững.
>>>Trách nhiệm xã hội là nhân tố để doanh nghiệp phát triển bền vững
Với chủ đề Doanh nghiệp và mục tiêu NetZero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải cacbon, chương trình tập huấn nhằm: Cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí những thông tin cập nhật về các định hướng chiến lược, các chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý về triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), cũng như định hướng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; Cập nhật các thông lệ tốt trong sản xuất kinh doanh theo mô hình KTTH, hướng tới cắt giảm phát thải các-bon từ các doanh nghiệp bền vững tiên phong, từ đó khuyến khích các cơ quan truyền thông tích cực quảng bá, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững; Tạo diễn đàn trao đổi, đối thoại với các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan quản lý về những kiến nghị chính sách quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy mô hình KTTH tại Việt Nam; Tạo cơ hội cho các cơ quan thông tấn báo chí tham quan mô hình doanh nghiệp thực hiện KTTH, cắt giảm phát thải các-bon.
Phát biểu tại chương trình tập huấn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh vai trò cầu nối đặc biệt quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, tạo dựng một tầm nhìn chung của toàn xã hội về phát triển bền vững. Ông cũng chỉ ra các xu thế mới của cộng đồng doanh nghiệp thế giới, có tác động mạnh mẽ đến thực hành kinh doanh bền vững. Đó là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi chuỗi giá trị, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thúc đẩy chuyển đổi số song hành, bổ trợ cho chuyển đổi xanh. Đồng thời khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, kịp thời nắm bắt các xu thế này để bắt kịp với “hơi thở” đương đại của cộng đồng quốc tế.
Ông Vinh cho biết, những nội dung này sẽ được VCCI/VBCSD đưa vào chương trình thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (VCSF) 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” vào ngày 23/8 tại Hà Nội tới đây.
Chia sẻ với đại biểu về tổng quan tình hình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên thế giới và tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Công Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ chuyên gia tư vấn Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH nhấn mạnh: Tái chế không phải là câu trả lời cho bài toán thực hiện mô hình KTTH, thay vào đó cần tập trung vào bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguyên liệu thô. Thiết kế, công nghệ, số hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình quay vòng dòng vật chất và kéo dài vòng đời sản phẩm để chuyển đổi thành công sang mô hình KTTH. Tuy nhiên, “trái tim và khối óc”, có nghĩa là “quy tắc xã hội” giúp thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo lập nhu cầu, mới là yếu tố cốt yếu để xây dựng mô hình KTTH bền vững.
Khẳng định có sự gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện KTTH với các mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững, ông Thành cũng cho biết hiện trên thế giới đã có 54 quốc gia đã và đang xây dựng Chiến lược hoặc Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Tại Việt Nam, KTTH và những nội dung liên quan như phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tại Việt Nam, Đề án Phát triển KTTH đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành vào tháng 6/2022. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tiên phong thúc đẩy, lan tỏa mô hình KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp trong những năm gần đây. VBCSD đã thực hiện đa dạng các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, đào tạo, kiến nghị chính sách và hợp tác trong các dự án hướng tới mô hình KTTH. Đại diện cho VBCSD, ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD cho rằng những cải tiến và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật (công nghệ số, công nghệ chế tạo và các giải pháp tổng hợp) đang tạo động lực mạnh cho sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn là thay đổi cách thức tạo ra sản phẩm, kiến tạo thị trường, và kiến nghị chính sách.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình kết nối với khách hàng và với doanh nghiệp khác; thách thức về quy định, khuôn khổ pháp lý liên quan đến quản lý chất thải, tái sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm; về nguồn vốn và hỗ trợ tài chính; và về cơ chế ứng dụng những công nghệ mới mang tính đột phá được sáng tạo bởi doanh nghiệp, nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp hiện cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động thiết kế sinh thái; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với quản lý chất thải và vật liệu thứ cấp; phương pháp tiếp cận mới về chính sách thuế, mua sắm, đầu tư công với yêu cầu và ưu đãi cho các sản phẩm và dịch vụ áp dụng kinh tế tuần hoàn; cơ chế khuyến khích tiếp cận các ưu đãi tài chính; và thực hiện lập, công bố báo cáo bền vững.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông tại Nestlé Việt Nam, từ năm 2015 chia sẻ: Tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không rác thải chôn lấp ra môi trường”. Trong đó, nhiều sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn được công ty áp dụng nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên. Hệ thống xử lý nước đã giúp công ty tái sử dụng 60-65% tổng lượng nước thải. Các chất thải (bã cà phê, cát thải từ lò hơi,…) từ sản xuất đều được tận dụng để trở thành năng lượng xanh, hoặc nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác.
Tuy nhiên, không chỉ giảm phát thải trong sản xuất tại nhà máy, Nestlé nỗ lực giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào cho đến khi sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng và bao bì sau sử dụng, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Là công ty hàng đầu về thực phẩm, trong chuỗi cung ứng của Nestlé, phát thải từ hoạt động nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của tập đoàn. Điều này cho thấy phần lớn lượng phát thải đến từ thượng nguồn chuỗi giá trị, tức từ khâu sản xuất nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm. Nhằm mục tiêu giảm phát thải tại thượng nguồn chuỗi giá trị, Nestlé áp dụng 2 cách tiếp cận chiến lược, gồm: Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh, bảo tồn và tái tạo rừng.
Trong đó, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé tập trung vào việc phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất trồng, bảo tồn nguồn nước, kết hợp các phương pháp trồng xen canh đa dạng và tích hợp với chăn nuôi, và tạo cảnh quan bền vững. Tại Việt Nam, mô hình này được áp dụng trong khuôn khổ dự án Nescafé Plan đã đồng hành cùng người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011.
Trong phiên Tọa đàm “Doanh nghiệp và Mục tiêu Net Zero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải các-bon” các diễn giả đến từ Tập đoàn PAN, Home Credit Việt Nam, AEON Việt Nam, Schneider Electric Việt Nam và Báo Tuổi trẻ đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính tiêu dùng, phân phối, công nghệ và cơ quan truyền thông đã mang đến nhiều thông tin, góc nhìn đa chiều, mới mẻ, từ những thông lệ tốt đang được triển khai tại những đơn vị này đến các kiến nghị thiết thực, hữu ích để thúc đẩy, lan tỏa mô hình KTTH, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tọa đàm đã đưa ra được một số thông điệp chung, tiêu biểu như: Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các hoạt động sản xuất – kinh doanh theo hướng cắt giảm phát thải các-bon không còn là một sự lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu đối với doanh nghiệp (từ các chính sách, quy định pháp lý của Chính phủ; từ các tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu…); Chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống là nền tảng bắt buộc để thực hiện thành công những hoạt động này; (Kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải các-bon không phải là những khái niệm xa vời, mà có thể được hiện thực hóa từ những sáng kiến, thực tiễn, hành động cơ bản, cụ thể trong chính doanh nghiệp; Để thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, bên cạnh việc doanh nghiệp triển khai các hoạt động vận hành, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, cắt giảm phát thải các-bon, thì tạo ra lối sống, lối tiêu dùng bền vững, theo hướng tuần hoàn hơn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng; Với nguồn lực hữu hạn, cộng đồng doanh nghiệp rõ ràng đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trên hành trình theo đuổi mục tiêu Net Zero.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần được tiếp thêm động lực, và cần nhận được sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý, cũng như các cơ quan truyền thông trong việc gỡ các nút thắt về chính sách, tạo cầu nối với người tiêu dùng, lan tỏa những nỗ lực, thực hành tốt của cộng đồng doanh nghiệp bền vững.
>>>Công nghệ điện thông minh cho phát triển bền vững
>>>Văn hoá đa dạng, bình đẳng và bao trùm - thành tố quan trọng trong phát triển bền vững
Trước đó, ngày 12/7/2023, hơn 20 đại biểu đã tham dự hoạt động tham quan thực tế mô hình sản xuất bền vững tại Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Tại đây, đại diện Nestlé Việt Nam đã chia sẻ về các mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thành công.
Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững (PTBV) là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI), được triển khai thường niên từ năm 2018, nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, và thúc đẩy các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm. Hằng năm, Tập huấn cho các cơ quan truyền thông được tổ chức dưới hình thức: Hội thảo tập huấn và Tham quan thực địa tại các doanh nghiệp có mô hình sản xuất – kinh doanh bền vững, thu hút sự tham gia đông đảo và đánh giá cao của đại diện các cơ quan truyền thông. Chương trình Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm 2023 thu hút hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan truyền thông lớn trên toàn quốc, các tổ chức, và đại diện các doanh nghiệp thành viên VBCSD-VCCI. |