VCCI: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp tài chính
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VCCI cũng đang triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
>>Doanh nghiệp tiếp cận vốn thông minh
Tại Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Bùi Trung Nghĩa – Phó chủ tịch VCCI cho biết, từ sau khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhâp kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, CPTTP; tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường lớn của thế giới tăng trưởng rất tích cực.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh và tiến tới mức 200% GDP thể hiện sự tham gia và phụ thuộc vào thị trường thế giới của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao, đi kèm với đó là rủi ro từ biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và 3/4 giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI trong nước.
Trong thời gian tới, với việc tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự hưởng lợi thì cần thiết phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể khai thác và tận dụng tốt hơn các lợi ích từ FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù việc xuất khẩu của Việt Nam có những tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, hoạt động xuất khẩu đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU và đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
>>Linh hoạt cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bên cạnh việc tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, thì các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, chương trình tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng (như thư tín dụng, bảo lãnh, nhờ thu…) cùng những dịch vụ hỗ trợ tránh các rủi ro về tỷ giá để từng bước cải thiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, phát triển khách hàng, thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.
“Với sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong thanh toán và cung cấp các giải pháp tài chính số thông minh, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp, đồng thời nhằm tối ưu chi phí, đảm bảo các hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn cũng được các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính triển khai và giới thiệu tới các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Vị Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đang triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác với các ngân hàng trong đó có các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank… hay Quỹ Phát triển DNNVV và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những hoạt động kết nối giữa các tổ chức tài chính với doanh nghiệp”.
Ông Bùi Trung Nghĩa bày tỏ vui mừng được hợp tác với Công ty OLEA Global tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ Tài chính trên nền tảng công nghệ cho các Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” với mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thêm cơ hội để tìm hiểu thực trạng và các giải pháp cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tài chính, trong đó có giải pháp mới về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng công nghệ số của OLEA.
Theo đó, hội thảo này cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp nhận thông tin từ những chuyên gia kinh tế và hội nhập quốc tế về bức tranh chung của nền kinh tế cùng với những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy việc xuất khẩu của mình.
Có thể bạn quan tâm
Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm, thủy sản có ưu đãi gì?
04:30, 20/07/2023
Lo ngại về việc có thêm “rào chắn” tín dụng cho bất động sản do Thông từ 06
17:51, 18/07/2023
Ngân hàng dự kiến giảm bớt “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối 2023
05:01, 17/07/2023
NHNN: Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý
09:09, 15/07/2023