Nghị quyết 41-NQ/TW - “kim chỉ nam” để doanh nghiệp “nâng tầm”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 12/10/2023 05:00

Nghị quyết 41-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là “kim chỉ nam” để DNNVV hành động và “nâng tầm”.

>>Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ với DĐDN về Nghị quyết 41 - NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023, bên hành lang Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam, kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ về Ngày doanh nhân 13/10 năm nay?

Ngày 13/10 năm nay giới doanh nhân có nhiều niềm vui. Thứ nhất, sự hoà nhập của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước lớn. Mối giao thương ngày càng đi vào chiều sâu giữa Việt Nam với 27 nước châu Âu, cũng như quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ…

Hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc và làm việc với Tổng thống Mỹ cũng như các nước… cho chúng ta thấy, chưa bao giờ sự ảnh hưởng và quan hệ của Việt Nam lại toàn diện và thắng lợi như thời gian qua.

Thứ hai, Nghị quyết 41 - NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 đánh giá vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng đất nước là rất lớn. Để “nâng tầm” cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Chính trị đã tiếp tục bằng Nghị quyết 41-NQ/TW.

Thứ ba, báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý 3/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng cũng như kịch bản tăng trưởng quý 3/2023 để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cả năm 2023 nhưng xu hướng tăng trưởng đã tích cực hơn với quý 1/2023 tăng 3,28%, quý 2/2023 tăng 4,05%, quý 3/2023 tăng 5,33%. Tôi hy vọng sang quý 4 tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục có mức tăng cao.

Thứ tư, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng lần đầu tiên vượt mức 50%. Tính đến này 30/9/2023, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mức 50%. Cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.

Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng. Qua đây cho chúng ta thấy, về mặt tinh thần thì doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng “vui nhiều hơn buồn”.

Còn với những chỉ tiêu chưa đạt được, tôi cho rằng chúng ta không nên đặt tiêu chí quá cao. Bởi tình hình thế giới thay đổi hàng ngày, sự thay đổi đó có sự tác động rất lớn đến Việt Nam. Do đó, chúng không nên quá tập trung vào chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm 2023.

Có thể, cuối năm nay một vài chỉ tiêu chưa đạt do chúng ta bị phụ thuộc vào tình hình khách quan mang lại. Đơn cử, chuỗi cung ứng đứt gãy thì sẽ ảnh hưởng ngay đến việc sản xuất, kinh doanh của chúng ta.

>>Chủ tịch VCCI gửi thông điệp hiệu triệu cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp

>>Toàn văn Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Đặc biệt, Nghị quyết 41- NQ/TW có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Nghị quyết 41- NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là “kim chỉ nam” để DNNVV hành động và “nâng tầm”. Chúng tôi sẽ phổ biến Nghị quyết 41-NQ/TW đến tất cả các hiệp hội.

Chúng ta phải có nghĩa vụ tuyên truyền về sự ra đời của Nghị quyết 41-NQ/TW, vì đây là sự tập trung, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DNNVV.

Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là vấn đề gì?

Một là, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy dẫn đến doanh nghiệp bị thiếu đơn đặt hàng xuất khẩu. Vì đơn đặt hàng xuất khẩu không có nên đơn đặt hàng giữa các doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng.

Hai là, tính quy mô, chuyên nghiệp và nguồn vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là DNNVV.

Ba là, hiện nay mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất, nhưng nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng vẫn chưa “sẵn sàng”. Khó khăn này không phải do không vay được mà bởi doanh nghiệp không có đầu ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

    07:53, 11/10/2023

  • Toàn văn Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

    10:54, 11/10/2023

NGUYỄN VIỆT thực hiện