Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!
Nhìn lại chặng đường phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân nước nhà.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, chiều 18/10.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, VCCI là cơ quan đầu tiên trong cả nước tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết 09 “mở đường”
“Trong những ngày vừa qua, Nghị quyết 41-NQ/TW đã được các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin rộng khắp, còn giới doanh nhân cả nước rất vui mừng khi được tiếp thêm động lực, tinh thần kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Trước khi có Nghị quyết 41, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định “Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để thay đổi một loạt các chính sách lớn liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp, mở đường cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
"Nghị quyết 09 và Nghị quyết 41 do VCCI tham mưu. Qua đây đã cho thấy, toàn hệ thống chính trị cũng như xã hội đã nhìn nhận rõ hơn vai trò của VCCI đối với sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, những chủ trương, Nghị quyết của Đảng bao giờ cũng là sự mở đầu cho những câu chuyện lớn tiếp theo. Đơn cử, năm 1986 Đại hội lần thứ VI của Đảng chính thức đưa ra chủ trương đổi mới và bắt đầu thời kỳ đổi mới. 37 năm trôi qua cho chúng ta thấy sự thay đổi lớn lao của đất nước.
Nhìn lại hệ thống doanh nhân Việt Nam chúng ta cũng thấy sự thay đổi rất lớn. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 41 có dịp tổng kết Nghị quyết 09 thấy rất rõ, đầu những năm 1990 Việt Nam chỉ có 5.000 doanh nghiệp tư nhân sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Còn hiện nay chúng ta có gần 900.000 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Nền kinh tế của Việt Nam từ khi đổi mới cho đến nay GDP đã tăng 50 lần. Việt Nam được xếp vào hàng 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu. Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 37 thế giới về GDP.
Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới, khoảng 730 tỷ USD trong năm 2022. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ trong năm 2022. Nhiều nước bày tỏ sự khâm phục Việt Nam, bởi từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới về ngoại thương, xuất nhập khẩu, mà hiện nay đã vượt qua Anh - là đối tác truyền thống gắn kết với thị trường Mỹ từ trước đến nay.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI giữ vai trò “nòng cốt”
Kết quả này là do Đảng lãnh đạo, trong đó tầng lớp doanh nhân Việt Nam có một vai trò đặc biệt quan trọng là đưa nền kinh tế hội nhập quốc tế thành công. Doanh nhân Việt Nam lớn lên, vai trò của đội ngũ doanh nhân đóng góp cho sự phát triển đất nước ngày càng được ghi nhận.
“Nghị quyết 09 đã thừa nhận vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói và cho rằng từ Nghị quyết 09 đã tạo ra rất nhiều sự thay đổi. Đó là, năm 2013 lần đầu tiên có ghi nhận doanh nhân trong Hiến pháp. Đến Nghị quyết 41, các doanh nhân không chỉ còn là quan trọng mà còn là lực lượng nòng cốt. Đây là một bước tiến rất lớn.
“Nhìn lại chặng đường phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân nước nhà”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Trong sự lớn mạnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể không nói đến vai trò của VCCI. VCCI vừa có vai trò kết nối, vừa là chất xúc tác, vừa là cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước, vừa là cơ quan đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp.
“Chúng ta tự hào được đóng góp vào chặng đường phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Và cũng rất may mắn được chọn lựa đứng trong đội ngũ những người thúc đẩy cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Nghị quyết 41 “nâng tầm khát vọng”
Nhìn lại lịch sử phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trước đổi mới Việt Nam không có doanh nhân của kinh tế thị trường. Chúng ta có một số công chức làm lãnh đạo quản lý trong các xí nghiệp, công ty quốc doanh, không có đội ngũ doanh nhân thị trường theo đúng nghĩa của nó.
Giai đoạn thứ hai, sau đổi mới mới bắt đầu hình thành doanh nhân của kinh tế thị trường. Đặc biệt, từ khi có Luật Công ty thì bắt đầu hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới, kéo dài khoảng 20 năm từ năm 1986 đến năm 2007.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, trong giai đoạn này vẫn chưa được định hình rõ nét, bản sắc văn hoá, hình hài doanh nhân Việt Nam. Từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO chúng ta đã nhìn bức tranh rộng hơn, có mô hình để học tập và định hình. Đây chính là thời kỳ hội nhập của Việt Nam. Việt Nam đã có Trung tâm WTO.
Và cũng phải mất thêm 20 năm để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế, khẳng định mình để “trỗi dậy” và xác định doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là gì? Hàng hoá Việt Nam là gì?
Còn hiện nay chúng ta đang ở bên “thềm” của giai đoạn thứ ba. Đó là, khi đã khẳng định được với bạn bè quốc tế thì vươn mình đứng dậy, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
"Như vậy, Nghị quyết 09 ra đời đúng thời điểm để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế, đưa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từ phát triển tự phát trở thành một chủ trương và có định hướng lớn của Đảng để định hình để hội nhập quốc tế.
Và đến giờ phút này, chúng ta có thể tự tin khẳng định Việt Nam đã hội nhập quốc tế thành công. Hội nhập quốc tế không còn là một khái niệm mơ hồ với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn mạnh rất nhanh trong thời kỳ đó, như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải của doanh nhân Trần Bá Dương". - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Từ một xưởng gara “nhỏ bé” ở Biên Hoà, ngày hôm nay Trường Hải đã "trỗi dậy" trở thành một tập đoàn lớn, một tỷ phú có thể hợp tác, cạnh tranh xòng phẳng với doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài. “Để có được một doanh nhân Trần Bá Dương thành công như ngày nay trước tiên là từ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự nỗ lực, tài năng của bản thân doanh nhân”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Về trường hợp của doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT. Trước những năm 1990 FPT chỉ có khoảng 400 nhân viên và “việc gì cũng làm”, từ xuất khẩu máy tính đến xuất khẩu quần áo sang Nga sau đó nhập khẩu ô tô Kamaz bán lấy tiền.
Còn hiện nay, FPT đã trở thành một công ty công nghệ lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á với trên 60.000 kỹ sư, là một trong những công ty công nghệ thông tin lớn hàng đầu tại thị trường Nhật Bản. Thời điểm này, FPT là công ty công nghệ có "tên tuổi” tại Mỹ.
Gần đây có “hiện tượng” Vingroup, VinFast… đã tạo được thanh thế, “tiếng vang” ở thị trường Mỹ. VinFast từ “tay không” đã sử dụng các công nghệ nước ngoài, sử dụng các thiết kế hàng đầu của người Ý để phối hợp đưa ra một sản phẩm của mình, và mạnh dạn tiến vào thị trường thế giới.
Với sự phát triển vượt bậc của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từ Nghị quyết 09 đã thúc đẩy cho sự ra đời của Nghị quyết 41. Bởi, Nghị quyết 09 mới chỉ có 12 năm nhưng đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển vượt bậc, kinh tế Việt Nam phát triển “ngoạn mục”, tầm vóc của Việt Nam đã thay đổi.
"Mục tiêu phát triển quốc gia cũng đã thay đổi. Khẩu hiệu trước đây là làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Còn ngày hôm nay khát vọng của doanh nhân Việt Nam đã khác. Đó là, góp phần đưa đất nước thịnh vượng, hùng cường và đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới
03:08, 18/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam
11:30, 17/10/2023