Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

MINH CHÂU 26/10/2023 10:20

"Tiếp cận tín dụng" và tìm kiếm khách hàng" luôn luôn là hai vấn đề khó khăn lớn nhất của DN, là vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các DNNVV Việt Nam.

>>Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho DNNVV Việt Nam”, hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp DNNVV Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết DN”, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…là những động lực quan trọng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, là những cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm, hàng hoá của mình đến với toàn thế giới, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. 

Bà

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tuy nhiên, theo bà Tâm, thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hoá, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu, khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường mới, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.

Theo kết quả khảo sát PCI của VCCI thực hiện trong những năm gần đây cho thấy, hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là "tiếp cận tín dụng" và "tìm kiếm khách hàng". Đây cũng chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các DNNVV Việt Nam.

"Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực của các DNNVV xuất nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu." - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) chia sẻ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng trong hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Đầu tiên, TS. Nguyễn Văn Hội cho biết, DNNVV cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Theo ông Hội, DNNVV cần tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu, tập trung tiếp cận các thị trường mới và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau.

>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế

TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương).

TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương).

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Hội cho rằng, DNNVV cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, pháp luật về hoạt động kinh doanh, thương mại, các nhà nhập khẩu tiềm năng, cùng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và môi trường, đóng gói và nhãn hiệu, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của DNNVV để tuân thủ và thực thi hiệu quả.

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong DNNVV đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.

“Cuối cùng, về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các DNNVV”. - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Cao Cẩm Linh - Trưởng ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistic Việt Nam (VALOMA), cho biết khoảng 50-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Linh cho rằng, hiện nay, có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn coi phát triển xanh là gánh nặng, chưa coi đây là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hoá. Mặt khác, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh cũng là một rào cản lớn cản trở doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Toàn cảnh Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho DNNVV Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho DNNVV Việt Nam”.

Theo Trưởng ban Nghiên cứu - Hiệp hội VALOMA, mặc dù doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn để chuyển đổi số khi tiềm lực tài chính  còn yếu. Không những thế, các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực thích ứng với công nghệ mới…

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vẫn đang đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ và đạt hiệu quả với 70% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia thương mại điện tử thông qua cung cấp các cơ hội giao thương cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên Cổng thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com; cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua các hệ sinh thái,...

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết,  VietinBank đã ban hành nhiều chương trình, gói lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng được nhận các ưu đãi.

Tại Hội thảo, đại diện VCCI, Vietinbank cùng các chuyên gia và các doanh nghiệp đã cùng thảo luận để đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị trường xuất khẩu cho DNNVV Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho DNNVV Việt Nam

    16:22, 09/10/2023

  • VietinBank tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng cuối năm

    13:22, 28/08/2023

  • Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

    15:00, 24/10/2023

  • Đa dạng hoá nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    05:20, 21/07/2023

MINH CHÂU