VCCI thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động hướng tới công bằng
Phát triển kỹ năng, phát triển kỹ năng xanh cho lao động phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hướng tới chuyển đổi công bằng và phát triển bền vững.
>>>Nâng cao công tác quản lý lao động nước ngoài
Hội thảo “Vai trò của Tổ chức đại diện NSDLĐ trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng hướng tới công bằng” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn Giới chủ Nauy (NHO) ngày 7/12 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Vai trò của Tổ chức đại diện NSDLĐ trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng hướng tới công bằng”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các vấn đề đặt ra trong tình hình mới đang có tác động không nhỏ đến thị trường lao động tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Theo đó, áp lực về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đã đặt ra những thách thức trong dịch chuyển việc làm và kỹ năng đáp ứng công việc đồng thời cũng tạo ra cơ hội việc làm và nghề nghiệp mới. Những tác động này dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Phát triển kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực trong tương lai.
Khi các ngành và nghề mới xuất hiện, cũng như khi sự thay đổi công nghệ thì việc đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động cần phải được thực hiện kịp thời hơn để đáp ứng những nhu cầu thay đổi này. Phát triển kỹ năng cần được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức liên quan đặc biệt doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nói chung và phát triển kỹ năng xanh phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hướng tới chuyển đổi công bằng và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, khoảng 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong khi lực lượng lao động có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mức chưa cao (26,2%) trong tổng số khoảng 54 triệu người trong lực lượng lao động.
“Vì chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn doanh nghiệp, khiến tỷ lệ chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải dành cho đào tạo nâng cao kỹ năng lao động cũng tăng lên”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tham gia và thực hiện hiệu quả các hoạt động nâng cao kỹ năng nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và tạo việc làm bền vững cho người lao động trong tình hình mới.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Hội thảo “Vai trò của Tổ chức đại diện NSDLĐ trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng hướng tới công bằng” được tổ chức trong bối cảnh các quốc gia đều nỗ lực thực hiện các cam kết về chuyển đổi công bằng dựa trên các chính sách và chương trình do quốc gia tự quyết định để đóng góp vào mục tiêu việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, bao trùm xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Trong bối cảnh đó, vào tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về đào tạo và đào tạo lại lao động đáp ứng yêu cầu của CMCN thứ 4 và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, trong đó xác định các nhiệm vụ phát triển kỹ năng của lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực có kỹ năng xanh để hướng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“VCCI rất vui mừng được chào đón các quý vị đại biểu tham dự hôi thảo là các chuyên gia, nhà quản lý tới từ các tổ chức đại diện Người sử dụng lao động trong khu vực sẽ chia sẻ tích cực, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai các chương trình phát triển kỹ năng lao động cũng như chính sách hỗ trợ ở mỗi quốc gia để các đại biểu học hỏi được các mô hình tốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nâng cao kỹ năng góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp nhu cầu lao động trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định đây cũng là hoạt động thúc đẩy sự hợp tác giữa các Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động trong trong nội khối ASEAN về lĩnh vực này.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bà Đại sứ Hilde Solbakken, Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam và Liên đoàn doanh nghiệp Nauy đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với VCCI trong những năm qua. Trân trọng cám ơn các tổ chức quốc tế Văn phòng ILO tại Việt Nam, ILO -ACT/EMP, các tổ chức thành viên ACE cũng dành cho VCCI sự quan tâm để hợp tác giữa VCCI với các tổ chức quốc tế sẽ bền chặt và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
>>>Việt Nam cam kết hỗ trợ Ethiopia trong xây dựng quan hệ lao động
Tại Hội thảo, Đại sứ Hilde Solbakken, Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam nhấn mạnh, việc chuyển đổi xanh là một mục tiêu được ưu tiên trong thời gian gần đây, là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác giữa Nauy và Việt Nam.
“Chúng tôi rất quan tâm các vấn đề về thúc đẩy chuyển đổi xanh và công bằng. COP28 vừa diễn ra cũng đặt ra nhiều mục tiêu về vấn đề này. Trong đó, đào tạo và đào tạo lại lao động cần đặc biệt được quan tâm. Các quốc gia để đáp ứng yêu cầu về lao động của thị trường quốc tế cần thích ứng nhanh chóng với xu hướng này. Học tập suốt đời là tất yếu, môi trường làm việc cũng thay đổi nhanh chóng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó, đào tạo lao động cần được chú trọng”, Đại sứ Hilde Solbakken nhấn mạnh.
Đồng thời bày tỏ vui mừng khi Việt Nam quan tâm đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại, giúp lực lượng lao động đáp ứng được các yêu cầu mới. Học tập suốt đời là tư duy quan trọng và cần được đưa vào hệ thống giáo dục ngay ở giai đoạn đầu.
Cùng với đó, cần nhanh chóng thu hẹp “khoảng cách” giữa đào tạo và thực tiễn. Giúp lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động.
Ở chiều ngược lại, người lao động cũng sẵn sàng gắn bó hơn với các doanh nghiệp quan tâm tới đào tạo kỹ năng cho họ.
Vấn đề thứ ba được Đại sứ Hilde Solbakken nhấn mạnh là chuyển đổi xanh, chuyển đổi công bằng. Bà Hilde Solbakken chúc mừng hợp tác của VCCI và NHO đang bước sang giai đoạn mới của vấn đề này.
Trong khi đó, ông Trygve Ulseth, Phụ trách chương trình hợp tác, Liên đoàn Doanh nghiệp Nauy (NHO) cho biết, Việt Nam cũng có tình trạng người lao động không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, làm mất đi cơ hội việc làm lớn. Do đó, các bên liên quan cần quan tâm cải thiện kỹ năng cho người lao động.
“Chúng ta đang ở giai đoạn của quá trình chuyển đổi, như chuyển đổi công bằng, ngay trong cung cấp thông tin. Đồng thời có môi trường công bằng minh bạch, có sự giải trình và có hợp tác quốc tế”, ông Trygve Ulseth nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường lao động tiềm năng của ESG
02:27, 03/12/2023
Nâng cao công tác quản lý lao động nước ngoài
00:30, 25/11/2023
Việt Nam cam kết hỗ trợ Ethiopia trong xây dựng quan hệ lao động
15:37, 22/11/2023
Hải Phòng: Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động
03:00, 16/11/2023