PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Cần sớm hoá giải các thách thức
Theo Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển điện khí LNG nhưng còn nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành... cần sớm hoá giải.
>>Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG: Cơ chế đặc thù cho điện khí LNG
Định hướng quan trọng của Nhà nước
Phát biểu tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 7/12 dưới sự chỉ đạo của VCCI, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) đang diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít các quốc gia sớm xây dựng và triển khai kế hoạch hành động, nhằm hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu theo thoả thuận Paris tại hội nghị COP26.
Trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp thực hiện cam kết trên. Trong đó, ban hành Quy hoạch điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết.
Có thể thấy, chuyển dịch năng lượng bền vững, giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây. Tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Đồng thời phát triển công nghiệp khí được ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng. Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
“Phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.
Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay; đặc biệt, giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết tại hội nghị COP26”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
>>Một số giải pháp thúc đẩy ngành điện khí LNG phát triển
Cơ hội và thách thức
Theo vị Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi cho điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành... Thứ nhất, hiện nay chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu này. Hoạt động nhập khẩu cần tuân thủ các thông lệ mua bán LNG quốc tế trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu cũng như chưa xây dựng hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG.
Thứ hai, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG; xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG có yêu cầu cao về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt với vốn đầu tư lớn.
Thứ ba, về mặt quy hoạch, các quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa phù hợp với Quy hoạch Điện VIII có thể làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư, tiến độ xây dựng dự án…
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp, đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức, cần phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả. Trong khi hiện nay, việc phát triển các dự án phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.
“Chúng ta đang bước vào tháng cuối năm 2023. Từ nay đến mốc 2030 để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra Quy hoạch Điện VIII không còn nhiều. Để các dự án khí hóa lỏng triển khai kịp tiến độ rất cần sự chung tay các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên. Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” được tổ chức hôm nay cũng không ngoài mong muốn góp thêm tiếng nói để có giải pháp khả thi gỡ khó thúc đẩy phát triển dự án điện khí LNG, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Tôi đề nghị các cơ quan quản lý, các chuyên gia tập trung trao đổi những tiềm năng, cơ hội đầu tư điện khí LNG; nhận diện những khó khăn và thách thức trên cơ sở đó đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, cơ chế, tạo môi trường đầu tư ổn định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí LNG”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nói.
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG: Cơ chế đặc thù cho điện khí LNG
11:00, 07/12/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 06/12: Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG
04:09, 06/12/2023
khơi thông nguồn lực cho điện khí lng: Giải pháp phát triển điện khí LNG
17:30, 05/12/2023
Một số giải pháp thúc đẩy ngành điện khí LNG phát triển
05:00, 03/12/2023