Chăm sóc bảo dưỡng ô tô trước khi bước vào mùa đông
Là một cỗ máy vận hành dựa trên cơ học và điện nhưng ô tô vẫn có khả năng "ngã bệnh" khi thời tiết có sự thay đổi mạnh và chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các mùa.
Mặc dù mùa đông ở Việt Nam nhiệt độ không xuống đến mức quá thấp và xảy ra tình trạng tuyết rơi hoặc đóng băng nhưng chiếc xế hộp của bạn vẫn có thể bị ảnh hưởng và gặp phải những vấn đề. Vì vậy, hãy chăm sóc, bảo dưỡng tốt cho "xế yêu" để nó hoạt động ổn định và phục vụ tốt cho bạn khi mùa đông đến.
Theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ô tô, Có ba bộ phận mà người dùng ô tô cần chú ý quan tâm trong mùa đông đó là hoạt động của động cơ, lốp và hệ thống điều hòa.
Mùa đông tại Việt Nam hiếm khi nhiệt độ xuống thấp đến mức tuyết rơi hoặc băng giá nhưng ô tô vẫn có thể gặp phải những vấn đề
Bảo dưỡng động cơ
Về mùa đông, nhiệt độ xuống thấp có thể khiến dầu bôi trơn trong động cơ bị đông đặc lại, kết hợp cùng với các chất cặn bẩn tạo ra các lớp váng dầu làm giảm hiệu quả làm việc của lọc dầu. Quan trọng hơn, điều này dẫn đến giảm khả năng bôi trơn cho các chi tiết bên trong động cơ, tình trạng này kéo dài gây giảm tuổi thọ của các chi tiết, các bề mặt ma sát.
Dầu bôi trơn cũ có thể bị đông đặc khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông
Các tài xế cần chủ động thay dầu máy cũng như thay lọc dầu cũ trước khi bước vào mùa đông để đảm bảo động cơ xe được bôi trơn tốt.
Nhiệt độ xuống thấp trong mùa đông cũng khiến nhiên liệu khó bay hơi và có thể dẫn đến động cơ khó khởi động hoặc máy nổ yếu hơn, đặc biệt là động cơ diesel. Để cải thiện vấn đề này, các tài xế nên thay thế lọc nhiên liệu đã quá cũ trước khi bước vào mùa đông, mang xe đến các trung tâm chăm sóc và bảo dưỡng để vệ sinh và điều chỉnh các kim phun cũng như hệ thống nhiên liệu để đảm bảo khả năng đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí diễn ra ổn định bên trong buồng đốt.
Cần kiểm tra và thay thế lọc nhiên liệu trước khi bước vào mùa đông
Bảo dưỡng lốp
Mùa đông đến, nhiệt độ xuống thấp khiến mật độ không khí tăng lên hay không khí trở nên "đặc" hơn. Điều này dẫn đến áp suất không khí giảm xuống và kéo theo sự sụt giảm một cách tự nhiên của áp suất lốp. Thông thường, khi nhiệt độ giảm khoảng 12 độ C, áp suất lốp sẽ giảm khoảng 1 psi.
Tài xế nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp, chú ý đèn cảnh báo áp suất lốp trên bảng đồng hồ hoặc đơn giản là để ý bằng mắt thường đến tình trạng của lốp xe nếu xe bạn không có cảm biến báo áp suất lốp. Để chính xác hơn, tài xế có thể trang bị thiết bị kiểm tra áp suất lốp để phát hiện kịp thời tình trạng của lốp xe và bơm bổ sung.
Trang bị thiết bị kiểm tra áp suất lốp để kiểm tra áp suất một cách chính xác
Thông thường, chỉ số áp suất lốp tối ưu nhất đối với mỗi mẫu xe được nhà sản xuất ghi bên trong cánh cửa xe khi mở ra. Người dùng cần nắm được một vài kiến thức để đảm bảo lốp xe luôn ở trong tình trạng tốt.
Các đơn vị đo áp suất lốp thông thường
- Đầu tiên và có thể phổ biến nhất là PSI (1 Kg/cm2 =14,2 Psi ). Lốp ô tô thông thường có áp suất 30psi.
- Một đơn vị khác được sử dụng để đo áp suất lốp là bar. Bar là áp suất của khí quyển ở mực nước biển. Áp suất thông thường của lốp xe là 2,1bar, tương đương 30psi.
- Đơn vị thứ ba có thể bắt gặp đó là kPa, 1Bar = 100kPa.
Chỉ số áp suất lốp tiêu chuẩn thường được nhà sản xuất ghi bên trong cửa xe
Bảo dưỡng hệ thống đèn
Hệ thống đèn xe là không thể thiếu để chiếc xe di chuyển trong thời tiết đêm tối, đặc biệt là về mùa đông. Bởi thời tiết mùa đông rất lạnh, kèm theo màn sương mù dày đặc vào buổi sáng sẽ khiến tầm nhìn của lái xe bị hạn chế. Lúc này đèn xe phải phát huy hết chức năng của nó để đảm bảo an toàn cho người và xe đang vận hành.
Hệ thống đèn hết sức quan trọng khi xe di chuyển trong sương mù vào mùa đông
Theo đó, các giắc cắm hệ thống đèn là bộ phận nên được kiểm tra trước, tương tự như các đầu cực của ắc quy. Cần giữ cho các giắc cắm khô ráo và ít bị bám bẩn để đảm bảo khả năng tiếp điện tốt, chiếu sáng ổn định.