Đề xuất nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước
Các đề xuất này được nhận định là phù hợp với thực tế và sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Bộ Tài chính cho biết đối với mặt hàng xe tải và xe chuyên dùng thuộc nhóm 8704, 8705, Bộ Tài chính nhận được nội dung doanh nghiệp kiến nghị tăng thuế đối với các dòng xe (CBU) trên 5 tấn đến dưới 45 tấn (xe tự đổ, xe chassi, xe đầu kéo….) và các loại xe chuyên dùng (xe trạm trộn bê tông, xe cần cẩu, xe chở xi măng kiểu bồn…” lên mức 40% tương đương với các nước trong khu vực.
Về vấn đề này, ý kiến Bộ Tài chính là: Theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP thì xe tự đổ được quy định mức thuế suất 10-50% tùy khối lượng toàn bộ theo thiết kế và bằng cam kết WTO, do vậy không điều chỉnh mức thuế suất đối với mặt hàng này.
Các mặt hàng xe tải có thiết kế bộ phận chuyên dùng trên 5 tấn đến dưới 45 tấn thuộc nhóm 8704 gồm Ô tô tải đông lạnh, Ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, Ô tô xi téc; ô tô chở xi măng kiểu bồn, Ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được hiện đang được quy định cùng mức thuế suất 20% (cam kết WTO của các dòng xe này từ 20% đến 70% tùy dòng xe, tùy khối lượng toàn bộ theo thiết kế).
Đề xuất này được nhận định là phù hợp với thực tế và sẽ kích thích phát triển công nghiệp ô tô trong nước. Bởi lẽ, hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư dây chuyền để sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung, hạng nặng và xe chuyên dùng, công suất gấp 3 lần nhu cầu thị trường, đạt khoảng 45.000 xe các loại. Trong khi đó, thuế suất các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đang quy định mức cao đối với các mặt hàng xe tải 40%-60%.
Cùng với đề xuất này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung đối tượng xe ô tô thân thiện môi trường gồm ô tô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô.
Việc xác định chủng loại xe sản xuất, lắp ráp của doanh nghiệp có phù hợp với chủng loại xe thân thiện môi trường theo quy định của chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô hay không căn cứ vào tiêu chí kiểu động cơ và loại nhiên liệu nêu tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các loại hình xe thân thiện với môi trường vào nhóm hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện là nhằm khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường đúng với định hướng của Chính phủ tại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nếu đề xuất này được đưa vào nghị định mới của Chính phủ, mặt hàng linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô thân thiện với môi trường cũng sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%, qua đó giúp giá thành loại hình xe thân thiện với môi trường được giảm xuống.
Trước đó, Bộ tài chính cũng có đề xuất giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng ô tô nội.
Như vậy, xe lắp ráp trong nước dự báo sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước so với xe nhập khẩu.