Kinh nghiệm "bỏ túi" khi đi xe trên đường đóng băng
Với những lý do khác nhau, công việc hoặc nhu cầu khám phá "thế giới băng giá", nhiều người phải điều khiển xe đi trên đường đóng băng trơn trượt, khi có nơi ở vùng núi phía bắc lạnh dưới 0 độ C.
Rất đông du khách từ thị xã Sa Pa và thành phố Lai Châu kéo lên đèo Ô Quý Hồ vào sáng 21/2 để ngắm "săn băng tuyết" (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).
Trong những ngày qua, nhiều nơi ở vùng núi phía bắc, như Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang... có hiện tượng băng giá do nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C. Do Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo, nền nhiệt độ cao, hiếm khi có băng tuyết, nên nhiều người háo hức muốn đến thưởng thức hiện tượng thiên nhiên này. Tuy nhiên, trên mặt đường xuất hiện lớp băng khá dày khiến việc điều khiển ô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn, không ít phương tiện giao thông gặp nạn.
Với điều kiện mặt đường đóng băng, lời khuyên tốt nhất cho cả người đi ô tô và xe máy vẫn là... không nên mạo hiểm. Nhưng nếu bạn nhất thiết phải đi, dù là vì yêu cầu bắt buộc của công việc, hay vì nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thì việc "bỏ túi" một số kinh nghiệm sau có thể sẽ hữu ích.
Một chiếc xe máy bị "đông cứng" trong giá rét trên đỉnh Phja Oắc (Cao Bằng) sáng 20/2 (Ảnh: Hà Cương).
Có sự chuẩn bị tốt
Với một hành trình có băng hoặc tuyết, bạn cần chuẩn bị xe kỹ hơn thông thường một chút, đừng vì nóng vội, sợ bỏ lỡ cơ hội mà bỏ qua những nguyên tắc an toàn. Phanh và lốp xe cần được chú ý đặc biệt; lốp xe phải có đủ độ bám, ta-lông còn dày; phanh phải hoạt động tốt, má phanh không quá mòn.
Ngoài ra, khi lái xe trên mặt đường đóng băng mà có cả bùn lầy, hãy xì bớt hơi trong lốp, để diện tích tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường tăng lên, từ đó cải thiện độ bám đường cho xe. Tuy nhiên, để có thể tự tin làm việc này, hãy đảm bảo rằng bạn có mang theo bơm dự phòng.
Trong điều kiện thời tiết có băng/tuyết, hệ thống đèn xenon hay đèn pha dạng chiếu hầu như không có tác dụng, vì trời mù, kèm tuyết rơi sẽ tạo một quầng sáng phía trước xe, khiến tài xế không thể quan sát được xung quanh.
Để khắc phục tình huống này, bạn cần chuẩn bị trước một đôi đèn chiếu gần sử dụng bóng đèn vàng hoặc dùng giấy bóng kính màu vàng dán lên đèn xe, như các tài xế lái xe đường dài miền núi Sơn La, Điện Biên… hay làm.
Dùng "áo xích" cho lốp xe là giải pháp tốt nhất cho mặt đường đóng băng, nhưng với điều kiện thời tiết có nền nhiệt cao như Việt Nam lại không phù hợp về hiệu quả kinh tế, nên một số tài xế đã dùng bộ khóa gai lốp giúp phá băng và tăng độ ma sát (Nguồn ảnh: OFFB).
Nếu có điều kiện, bạn hãy chọn một chiếc xe có hệ thống dẫn động bốn bánh, vì loại xe này có khả năng bám đường tốt hơn hẳn so với xe dẫn động cầu trước và đặc biệt là xe cầu sau khi chạy trên đường băng/tuyết.
Các tính năng hỗ trợ an toàn chủ động, như hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESP, VSC…), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống kiểm soát chống trượt (ASR)… sẽ là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn.
Kính lái bị đọng nước, gây mờ, giảm tầm quan sát của tài xế cũng là vấn đề cần được lưu tâm xử lý. Hãy bật điều hòa với chế độ lấy gió ngoài, đừng quên chế độ sấy kính, và đừng để nhiệt độ bên trong xe quá cao!
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị một số đồ mang tính dự phòng các tình huống xấu, như nước uống, đèn pin, chăn ấm, đồ ăn khô, túi cứu thương…, cùng những vật dụng có thể giải cứu cho xe, như bộ đồ thay lốp (bơm, kích, dụng cụ tháo lốp), dây câu bình điện, dây kéo xe, dụng cụ sửa xe thiết yếu, các loại dầu trợ lực, nước làm mát…
Chú ý tốc độ và khoảng cách
Lời khuyên đầu tiên cho những người lái xe trên đường tuyết nói riêng và mặt đường trơn trượt, tầm quan sát hạn chế nói chung là hãy đi chậm, cụ thể là dưới 40-50 km/h. Hãy cố gắng lái xe càng chậm càng tốt để vừa hạn chế nguy cơ trượt bánh xe mất kiểm soát, vừa tăng khả năng quan sát xe phía trước và xung quanh.
Ngoài tốc độ, hãy chú ý giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước xa hơn so với điều kiện thông thường.
Bên cạnh đó, những thay đổi đột ngột như đạp phanh, rồ ga, hay đánh lái… rất dễ khiến xe bị trượt và mất hướng lái, đâm vào cọc tiêu, taluy, xe đi ngược chiều, hay thậm chí là lao xe xuống vực. Để hạn chế nguy cơ vào tình huống như vậy, bạn cần luôn phải tập trung khi cầm lái.
Nếu như việc trang bị đèn vàng giúp tài xế quan sát đường tốt hơn, thì việc bật đèn chiếu gần (đèn cốt) hoặc đèn sương mù, và đèn khẩn cấp (nút đèn hình tam giác trên bảng điều khiển) sẽ giúp tài xế các xe đi đối diện hoặc xe phía sau có thể nhìn thấy xe bạn để tránh. Việc dán thêm các miếng phản quang ở xung quanh xe cũng có tác dụng nhất định.
Một khách du lịch lái ô tô lên Lạng Sơn để ngắm băng trên đỉnh Mẫu Sơn cho biết, sau một đêm, nhiều xe bị đóng đá toàn bộ, từ bộ tản nhiệt, gạt mưa, lốp xe hay gương kính, không thể vào xe, mà có vào cũng không nổ được máy (Nguồn ảnh: OFFB).
Xử lý thế nào khi xe bị trượt?
Với những xe không có tính năng tự động khóa phanh (ABS), cần tránh sử dụng phanh. Nếu xe bạn có ABS, phanh thật chắc chắn khi xe đi qua chỗ trượt.
Trong trường hợp xe bị trượt, hãy nhẹ nhàng nhả chân ga, cẩn thận xoay bánh lái theo hướng bạn muốn, cho đến khi đầu xe di chuyển thẳng tắp.
Chúc các bạn có những chuyến đi an toàn!