Chiếc xe 200 tỷ đồng nữ đại gia Việt vừa tặng chồng có gì đặc biệt?
Đó là siêu xe Koenigsegg Regera đến từ Thụy Điển, chỉ có 80 chiếc trên toàn thế giới và mang trong mình rất nhiều điều thú vị, từ thiết kế cho tới tính năng
Chiếc siêu xe trị giá khoảng 200 tỷ đồng vừa được một nữ đại gia ở TPHCM tặng chồng (Ảnh chụp màn hình).
Trong tiếng Thụy Điển, Regera có nghĩa là 'trị vì' hay 'cai trị', và siêu xe Koenigsegg Regera cũng không khác gì một vị vua trong làng xe. Regera được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015 tại Triển lãm ô tô Geneva, là siêu xe hybrid cắm điện. Đây là sản phẩm thay thế cho Agera RS và Jesko.
Kế thừa có chọn lọc và đổi mới, Regera đã đưa Koenigsegg lên một tầm cao mới.
Hệ thống hybrid "siêu khủng"
Hệ thống hybrid cắm điện mà thương hiệu Thụy Điển trang bị cho siêu xe Regera kết hợp một động cơ đốt trong V8 5.0L tăng áp kép kết hợp với 3 mô-tơ điện.
Regera sử dụng động cơ đốt trong để gia tăng công suất cho xe ở tốc độ cao, còn 3 mô-tơ điện sẽ đảm nhiệm cung cấp sức mạnh cho xe ở tốc độ thấp (dưới 50 km/h).
Khối động cơ đốt trong bằng nhôm được đặt ở giữa xe, cho công suất 1.100 mã lực và mô-men xoắn 944 lb-ft. Trong khi đó, 3 mô-tơ điện YASA cho tổng công suất 700 mã lực và mô-men xoắn 664 lb-ft. Kết hợp lại, hệ thống hybrid này cho xe công suất 1.500 mã lực.
Hệ thống động cơ hybrid của Koenigsegg Regera được trưng bày tại Triển lãm ô tô Geneva 2019 (Nguồn ảnh: Pinterest).
Tính năng vận hành đỉnh cao
Với hệ thống hybrid "siêu khủng" như trên, Regera sở hữu tính năng vận hành xuất sắc. Xe có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 2,8 giây, kim đồng hồ tốc độ sẽ chạm mốc 200 km/h trong 6,6 giây và 300 km/h trong 10,9 giây.
Hồi năm 2019, trong điều kiện thời tiết gần như lý tưởng - lặng gió, 16 độ C, và độ cao 70m so với mực nước biển, chiếc "siêu siêu xe" này đã hoàn tất lượt chạy 0-400-0 km/h trong 31,49 giây, xác lập kỷ lục thế giới mới.
Kỷ lục được thực hiện bởi tay lái Sonny Persson của Koenigsegg tại sân bay Rada nằm giữa rừng ở quê hương Thụy Điển.
Hộp số đặc biệt được thiết kế riêng
Thay vì sử dụng hộp số truyền thống, Koenigsegg dùng hộp số Direct Drive có tính đột phá cho Regera. Hộp số này có một cấp số tiến và một số lùi, loại bỏ hoàn toàn thời gian sang số và giúp giảm trọng lượng cho xe, bù lại trọng lượng của hệ thống hybrid nặng hơn động cơ đốt trong truyền thống. Qua đó, Regera trở thành mẫu ô tô đầu tiên trên thế giới truyền thẳng công suất của động cơ đốt trong tới bánh xe.
Các lẫy chuyển số tích hợp trên vô-lăng chỉ có vai trò chuyển đổi giữa các chế độ R, N và D.
Tự động hóa
Koenigsegg Regera là mẫu xe đầu tiên trên thế giới được trang bị cánh gió sau có thể thu lại. Thiết kế đầy sáng tạo này một mặt giúp chiếc xe trông đẹp mắt hơn khi đỗ một chỗ, mặt khác giúp giảm lực cản khi xe chạy.
Việc sử dụng vật liệu sợi carbon trọng lượng nhẹ đảm bảo cho cơ chế này hoạt động hiệu quả.
Koenigsegg Regera cũng là mẫu xe đầu tiên có các chi tiết ngoại thất vận hành hoàn toàn tự động, thiết kế mà thương hiệu Thụy Điển gọi là Autoskin, được hỗ trợ bởi hệ thống thủy lực. Cụ thể, cánh cửa, nắp ca-pô, cửa sổ... đều thực sự đóng/mở chỉ bằng một nút bấm trên khóa.
Koenigsegg cũng có thiết kế cửa mở ngược lên phía trên như các xe của Lamborghini, nhưng cơ chế vận hành hoàn toàn khác, mang tên syncro-helix. Theo đó, khi mở ra, cửa xe sẽ tách hẳn ra khỏi thân xe, rồi xoay theo trục chính giống như bản lề, mở hướng lên trên.
Vì vận hành tự động, nên hệ thống Autoskin tích hợp rất nhiều cảm biến để đảm bảo gương cửa hay cánh cửa không bị va đập vào đâu khi đóng vào hoặc mở ra.
Hệ thống xả đặc biệt
Regera có tiếng pô thực sự "đinh tai" và có thiết kế khác thường. Khi nhìn vào đuôi xe, bạn dễ nhầm tưởng phần ống bầu dục nhô ra bên dưới biển số là ống xả, nhưng không phải; đó là hệ thống quạt gió phục vụ việc làm mát bộ pin bên trong.
Ống xả thực sự nằm lẫn giữa các vây của bộ khuếch tán sau (Ảnh: Billionair Toys).
Đây thực chất là một thiết kế cổ điển, được dùng từ cách đây cả nửa thế kỷ. Koenigsegg đã bắt tay với pô lừng danh Akrapovic để cho ra đời thiết kế này.
Sự tinh tế
Koenigsegg đặc biệt chú ý tới từng chi tiết nhỏ khi thiết kế Regera. Ví dụ như, bên trong cụm đèn pha có lắp một chiếc quạt nhỏ để đảm bảo đèn xe không bao giờ bị mờ vì hơi nước đọng như thường thấy trên các xe khác, kể cả xe đắt tiền. Hay khi vào trong xe, người lái phải đặt chìa khóa vào vị trí có hình giống logo của hãng, nằm ở bên trái vô lăng, thay vì vẫn để chìa trong túi quần mà vẫn nổ máy được như hầu hết các xe khác.
Regera cũng là mẫu xe hiếm hoi trang bị tiêu chuẩn một chiếc búa phá kính "giấu" ở gần vị trí chân phanh, chân ga, để người lái có thể đập vỡ cửa kính thoát ra ngoài trong những tình huống khẩn cấp mà cửa bị kẹt, không thể mở ra.
Với tất cả sự phức tạp như vậy, Koenigsegg dùng loại đinh vít đặc biệt mà chỉ hãng mới có công cụ để mở, đồng nghĩa với việc khi cần kiểm tra hoặc sửa chữa xe, khách hàng buộc phải đưa xe về Thụy Điển, hoặc mời đội chuyên gia kỹ thuật của hãng sang xử lý. Đây là cách làm giống với Bugatti.
Có tiền cũng không dễ mua xe
Từ năm 2017, Koenigsegg đã bán hết tất cả 80 chiếc Regera được sản xuất, trong khi hầu hết các nhà sưu tập đã mua được xe hiếm khi chịu bán đi, trừ khi cực kỳ được giá.
Giá bán khởi điểm của siêu xe này được công bố khi ra mắt là 1,9 triệu USD, nhưng trên thực tế, không có chiếc xe nào rời showroom trong tình trạng nguyên bản tiêu chuẩn mà đã được lắp thêm rất nhiều trang bị. Và giá tiền khách phải trả thêm rất dễ lên tới 1 triệu USD. Ví dụ, chỉ cần khách muốn toàn bộ các chi tiết ngoại thất như nắp ca-pô, nóc xe, các khe gió... đều làm bằng vật liệu sợi carbon, thì sẽ phải trả thêm khoảng trên dưới 103.000 USD. Hay như một bộ vành Koenigsegg Tresex Aircore bằng vật liệu sợi carbon có giá 57.000 USD.
Hồi năm ngoái, một chiếc Koenigsegg Regera 2020 đã được bán đấu giá ở mức 2,75-3,5 triệu USD.
Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi chiếc Regera vừa được nhập về Việt Nam có giá trị lên tới 200 tỷ đồng.