Triển lãm ô tô lớn nhất châu Âu trở thành “sân nhà” của Trung Quốc
Giới truyền thông Đức “đứng ngồi không yên”, vì các nhà sản xuất ô tô từ Trung Quốc đang ồ ạt đổ bộ vào triển lãm ô tô lớn nhất châu Âu.
>>Ô tô điện mini Wuling Air EV lăn bánh phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN
Tại triển lãm IAA - triển lãm ô tô hàng đầu châu Âu mới đây, thay vì bàn tán về những sản phẩm mới mẻ của châu Âu, tất cả mọi người đều chỉ nhớ về một điều duy nhất. Đó chính là làn sóng xe điện mới từ Viễn Đông, đang đe dọa họ ngay tại thị trường quê nhà.
Một trong những tuần báo kinh doanh hàng đầu tại Đức, Der Spiegel cho rằng IAA đang trở thành triển lãm riêng của Trung Quốc. Và chắc chắn trong thời gian sắp tới Đức sẽ phải đối mặt với thử thách từ những hãng xe điện mới nổi này.
Năng lực đáng kinh ngạc của Trung Quốc
Brian Yang, giám đốc BYD Châu Âu cho biết, họ muốn trở thành sản phẩm cao cấp với giá cả phải chăng.
Theo Süddeutsche Zeitung, Trung Quốc có thể sản xuất được khoảng 40 triệu phương tiện mỗi năm trong khi nhu cầu nội địa của họ chỉ khoảng 25 triệu. Con số 15 triệu dư ra còn lớn hơn tổng số xe tại thị trường châu Âu. Hơn nữa, Trung Quốc cũng kiểm soát tới 90% nguồn cung pin EV trên thế giới thông qua các nhà cung cấp như CATL và Gotion.
Với những lợi thế này, Trung Quốc hoàn toàn có thể sản xuất ra những loại xe như họ nói là vừa cao cấp vừa có giá phải chăng. Khi đó, họ sẽ chiếm lĩnh cả thị trường với lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối, còn các công ty kỳ cựu châu Âu có thể chỉ còn duy trì hoạt động nhờ vào cái tên thương hiệu lâu đời của mình.
Sigrid de Vries , tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu ACEA, cho biết: “Với tiềm lực mạnh mẽ của mình Trung Quốc hoàn toàn có thể nhắm chiếm lĩnh thị trường châu Âu”.
Những vụ hợp tác tưởng chừng đôi bên đều có lợi
Trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất ô tô Đức đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng của thị trường ô tô Trung Quốc, nhưng lâu dần, người Đức nhận thấy mình đang bị thụt lùi.
Các thương hiệu nổi tiếng của Đức đều có sự tham gia hỗ trợ của các công ty Trung Quốc.
Ông trùm ô tô Trung Quốc Li Shufu, người sáng lập Geely, đã trở thành cổ đông lớn nhất của Mercedes-Benz vào năm 2018.
Ban đầu, Mercedes thỏa thuận với các công ty địa phương của Trung Quốc. Mục đích là để duy trì chỗ đứng trên toàn cầu. Họ hy vọng rằng việc hợp tác này sẽ giúp Mercedes củng cố khả năng cạnh tranh.
Nhưng sau đó, Merc đã bán cho Li's Geely một nửa cổ phần của mình trong Smart - một trong những thương hiệu xe Mini nổi tiếng lúc bấy giờ.
Còn BMW thì hợp tác với Great Wall Motors để nhập khẩu xe điện MINI từ Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, những giao dịch này được coi là đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên hiện tại, đến những “ông lớn” như Volkswagen còn phải bỏ ra 700 triệu USD đầu tư cho XPeng - một công ty mới đến từ Trung Quốc với hy vọng có thể phát triển được trong lĩnh vực kết nối xe.
Theo tờ nhật báo Handelsblatt của Đức đăng tải vào thứ 6 vừa qua, trước những đe dọa từ phía Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô Đức vẫn đang ráo riết tìm cách để đối phó.
Trung Quốc “tấn công” thị trường châu Âu
Các nhà phân tích đã dự đoán về sự tấn công của xe ô tô giá rẻ Trung Quốc vào thị trường châu Âu, giống như một “cơn sóng thần” tràn vào bờ biển phía Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc gặp một số cản trở như việc nhiều thương hiệu chưa chú trọng đến các vấn đề hiệu suất hay an toàn cho người dùng khi sản xuất ô tô.
Nhưng trong khi các nhà nghiên cứu bận rộn điều chỉnh lại dự đoán của mình, thì Trung Quốc đã cố gắng lật ngược tình thế.
Họ tận dụng thời điểm gián đoạn khi công nghệ sản xuất có sự chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang hệ thống truyền động điện, để đuổi kịp thị trường. Tính đến nay, chỉ có Tesla mới có thể hy vọng cạnh tranh về chi phí với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Thậm chí Tesla cũng chỉ có thể cạnh tranh với các hãng này ở một vài dòng sản phẩm như Model Y.
Trước tình hình này, giám đốc điều hành Tập đoàn BMW, Oliver Zipse vẫn tỏ ra lạc quan, cho rằng người Trung Quốc chưa chắc đã thành công dù họ có nhiều tham vọng. Vì có thể họ sẽ không tạo ra được những chiếc xe phù hợp với người châu Âu. Cũng có thể họ sẽ không đảm bảo được trang thiết bị đầy đủ cho các dịch vụ hậu mãi như bảo trì xe.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận tiềm lực mạnh mẽ của Trung Quốc và những gì họ đã mang đến triển lãm IAA lần này.
Có thể bạn quan tâm