Ô tô hiện đại, "ma xó" theo dõi nhất cử nhất động người dùng
Ô tô hiện đại là "cơn ác mộng bảo mật", khi nhất cử nhất động của người dùng đều bị các camera, microphone và cảm biến trên xe theo dõi và lưu trữ.
>>Ô tô điện Trung Quốc và nỗi lo máy do thám 4 bánh
Phát hiện mới nhất từ dự án "Privacy Not Included" của tổ chức phi lợi nhuận Mozilla cho thấy, những mẫu ô tô thế hệ mới có kết nối Internet sẽ thu thập thông tin của người dùng.
Cụ thể, toàn bộ 25 thương hiệu trong nghiên cứu của Mozilla đều vi phạm lỗi này. Các thương hiệu này bao gồm: Dacia, Tesla, Renault, BMW, Cadillac, Mercedes, Chrysler, Ford, Jeep, Acura, Volkswagen, GMC, Audi, Lexus, Subaru, Toyota, Honda, Fiat, Lincoln, Dodge, Chevrolet, Hyundai, Kia, Buick, Nissan.
Dữ liệu thu thập về người lái xe bao gồm: địa điểm, chủng tộc, cử chỉ nét mặt, cân nặng, thông tin sức khỏe, thậm chí cả hoạt động tình dục… Các ô tô sử dụng nhiều cách thức để thu thập thông tin người dùng, ví dụ như: microphone, máy ảnh, ứng dụng kết nối trên điện thoại…Gần 85% thương hiệu cho biết họ có quyền chia sẻ dữ liệu của người dùng, 76% cho biết có thể bán những dữ liệu đó. Hơn 50% cho biết họ sẽ chia sẻ dữ liệu với chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật theo yêu cầu.
Nissan là nhà sản xuất xe thu thập dữ liệu "tồi tệ nhất". Chính sách quyền riêng tư của Nissan cho phép nhà sản xuất thu thập những thông tin bao gồm hoạt động tình dục, dữ liệu chẩn đoán sức khỏe và dữ liệu di truyền, mặc dù không có thông tin chi tiết về cách thu thập những dữ liệu đó một cách chính xác. Nissan còn có quyền chia sẻ và bán thông tin về "sở thích, đặc điểm, xu hướng tâm lý, khuynh hướng, hành vi, thái độ, trí thông minh, khả năng và năng khiếu" cho các nhà môi giới dữ liệu, cơ quan thực thi pháp luật và các bên thứ ba khác.
Chính sách quyền riêng tư của Kia cho phép công ty quyền giám sát "đời sống tình dục" của tài xế. Còn Mercedes cài đặt sẵn TikTok trên hệ thống thông tin giải trí. Với Subaru, chỉ cần là hành khách ngồi trên xe cũng bị thu thập thông tin cá nhân. Chỉ có 2 thương hiệu là Renault và Dacia, khẳng định rằng tài xế có quyền xóa các dữ liệu cá nhân. Đây là những thương hiệu có trụ sở đặt tại châu Âu, nơi người tiêu dùng được bảo vệ bởi các bộ luật về bảo mật thông tin cá nhân.
Mozilla khẳng định, ô tô hiện đại là "cơn ác mộng bảo mật", khi nhất cử nhất động của người dùng đều được lưu lại. Thời gian qua, các nhà sản xuất ô tô đã thu thập được vô số dữ liệu cá nhân của người sử dụng xe, nhờ sự phổ biến của hệ thống theo dõi hành trình, các cảm biến, camera và điện thoại thông minh kết nối với ô tô…
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề bảo mật thông tin người dùng ô tô được nêu ra. Cách đây hơn 1 tháng, báo Telegraph (Anh) đưa tin giới chức Anh đã lên tiếng cảnh báo về việc nhập khẩu xe điện Trung Quốc, cho rằng công nghệ tích hợp trong những chiếc xe này có thể được dùng để theo dõi công dân Anh.
Nguồn tin trong Chính phủ Anh mà báo Telegraph dẫn lại cho rằng, công nghệ tích hợp trong những chiếc xe điện này có thể được sử dụng để thu thập lượng thông tin khổng lồ, bao gồm dữ liệu vị trí, các bản ghi âm và cảnh quay video, đồng thời chúng có thể bị can thiệp từ xa và thậm chí bị vô hiệu hóa.
Người dùng ô tô cần biết thông tin này và đề phòng những dữ liệu cá nhân có thể bị lộ mỗi khi lên xe. Có những dữ liệu có vẻ như hoàn toàn vô nghĩa đối với bất kỳ cá nhân nào nhưng đối với một công ty hoặc những kẻ có ý đồ xấu thì nó có thể trở nên vô giá.
Có thể bạn quan tâm