Ô tô bị ngập nước coi như đồ bỏ, bán rẻ như cho
Xe bị ngập nước thì thiệt hại vô cùng lớn. Nếu để nước ngập đến nắp capo có thể xem như “đồ bỏ”, bán rẻ như cho không ai dám mua.
>>Cách xử lý xe điện bị ngập nước khi trời mưa to
Bước vào mùa mưa, những trận mưa lớn kéo dài, khiến cho nhiều đường phố chìm trong biển nước. Đây là nỗi kinh hoàng với những chiếc xe ô tô. Nếu bị ngập nước thì thiệt hại vô cùng lớn.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sửa chữa ô tô QĐ 361 (Hà Nội), nếu xe đã bị ngập nước đến nắp capo thì có thể coi như “đồ bỏ”.
Nước đã đến nắp capo thì động cơ, hút gió cũng bị ngập. Khi đó, nước lọt vào trong các xy-lanh, thông qua hốc gió, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó. Cho dù xe có được mang đi xưởng để xử lý, nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh, thì vẫn có nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Nếu xe bị thủy kích thì nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên và nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ.
Trường hợp không bị thủy kích, nhưng nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, cũng sẽ làm cho lòng xy-lanh có thể bị gỉ. Như vậy, động cơ sẽ "uống xăng như uống nước" và hoạt động không ổn định.
Ngoài động cơ, các bộ phận khác cũng thiệt hại vô cùng lớn. Nước sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của xe. Hệ thống dây điện chạy quanh thân xe, các đầu nối sẽ bị nước thâm nhập, đặc biệt ở khu vực bệ trung tâm, để lại nhiều hậu quả sau này.
Bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại, túi khí,... khi bị ngập nước sẽ dẫn đến các hậu quả lâu dài như hoạt động trục trặc, tín hiệu không chính xác, dễ bị chập cháy.
Các bộ phận điều khiển bị ngập sớm nhất chính là những công tắc điều khiển ghế. Nước thâm nhập sẽ làm hỏng các mô-tơ, làm tê liệt bộ phận điều khiển ghế ngồi với xe có ghế ngồi điều chỉnh điện.
Cánh cửa xe bị ngập nước, sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hệ thống loa và dây dẫn. Hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cho dù có hút sạch nước và sấy khô, khả năng xảy ra các rủi ro sau này như đường dây bị chập cháy, hở, bị ăn mòn tại các tiếp điểm là khó tránh khỏi.
Với nhiều dòng xe, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, hệ thống truyền động cũng bị ảnh hưởng, bị nước làm gỉ sét dẫn đến hoạt động thiếu ổn định. Cùng với đó toàn bộ nội thất như ghế xe, trần, các tấm ốp đều phải dỡ ra, tháo tung sấy khô, cái nào hỏng phải bỏ và thay mới...
Những xe này, sau khi khắc phục hoạt động không ổn định và tin cậy, bán rất khó, cho dù giá vô cùng rẻ, ông Tuấn Anh cho biết. Theo ông Tuấn Anh, với xe ngập nước, tùy từng trường hợp, mức độ nặng, nhẹ mà đánh giá thiệt hại. Nhưng nói chung, xe đã bị ngập nước, để nước tràn vào khoang hành khách thì thiệt hại nhẹ nhất cũng khoảng 30% giá trị, còn ngập nặng tới nắp capo như đã nói, thì coi như bỏ. Bán lại rất khó và giá rất rẻ, tính ra có thể tiền khắc phục còn lớn hơn tiền bán xe thu được.
Theo ông Tuấn Anh, xe cũ có 2 vấn đề luôn khiến người mua lo ngại, là bị ngập nước, thủy kích và bị tai nạn. Nếu không có kinh nghiệm, sẽ rất khó phát hiện. Vì vậy mua xe cũ, cần qua các trung tâm kỹ thuật, có đầy đủ các thiết bị kiểm tra loại trừ những nguyên nhân này.
Có thể bạn quan tâm
Ô tô cũ đại hạ giá, cơ hội tốt cho khách mua xe
10:28, 09/09/2023
10 thói quen tai hại làm ô tô của bạn nhanh hỏng
07:14, 02/02/2021
5 loại ô tô cũ nên tránh kẻo "rước nợ vào thân", dù cần xe chơi Tết
16:12, 01/02/2021
Loạt kinh nghiệm mua bán ô tô cũ với giá hời mà không phải ai cũng biết
10:02, 16/11/2020
6 kiểu ô tô cũ dù có thừa tiền cũng đừng mua: Tiền mất tật mang khổ cả đời
12:39, 15/04/2020
6 việc bạn cần lưu ý sau khi mua ô tô cũ
09:56, 05/11/2019