Chuyên gia phân tích về đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) với đề tăng thuế VAT từ 10% lên 12%
Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm là một trong các lý do Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng hàng loạt sắc thuế và bổ sung nhóm hàng hóa chịu thuế.
Dư luận cho rằng tăng thuế VAT sẽ làm người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều hơn là người giàu
Mức thuế Việt Nam còn thấp?
Về đề xuất tăng thuế VAT Bộ Tài chính cho rằng mức thuế VAT của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, do vậy cần phải điều chỉnh. Xét về tỉ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình EU cao hơn hẳn Việt Nam, VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước này.
Tại dự thảo lần này Bộ Tài chính vẫn giữ các đề xuất như: Đề tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Theo đó, mức tăng sẽ theo lộ trình từng năm, mỗi năm tăng 1% cho đến khi được 12%.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính: Việc tăng thuế VAT từ mức 10% lên mức 12% có thể tác động đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.
“Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”, Bộ Tài chính khẳng định.
Thận trọng khi tăng thuế.
Với đề xuất tăng phí VAT của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc tăng thuế VAT có thể là cần thiết bởi ngân sách đang trong giai đoan "căng thẳng".
Trước nhiều quan điểm cho rằng việc tăng VAT không tác động đến doanh nghiệp, ông Hồ nói: Về nguyên tắc, thuế VAT là loại thuế gián thu, đánh vào giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng chứ không tính vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp vì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. “Tuy nhiên, thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp thường rất lâu nên trong khi chờ đợi, doanh nghiệp có thể tranh thủ đưa vào giá bán, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu”, ông Hồ nói.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc và đưa ra nhiều phương án để đánh giá tác động của việc tăng thuế với nhiều ngành nghề khác nhau.
Vì vậy, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc và đưa ra nhiều phương án, đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với các lĩnh vực khác nhau, các tầng lớp dân cư khác nhau, từ đó giải trình và chọn lựa phương án, lộ trình sao cho phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính phải tính toán và đưa ra được luận chứng cụ thể về tác động của việc tăng thuế. "Ví dụ như, nếu tăng thuế VAT thì bổ sung được ngân sách bao nhiêu, tăng được tỷ lệ thu lên bao nhiêu, tính toán tác động đối với thu nhập của các tầng lớp nhân dân và với cả doanh nghiệp", ông Hồ nói.
Góp ý thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề tăng thuế cần được tính toán kỹ lưỡng bởi: “tăng thuế không phải để cân đối ngân sách, bởi muốn cân đối ngân sách thì chủ yếu phải tập trung vào giảm chi, nhất là chi thường xuyên, chứ không phải tăng thu”, ông Long nói.