Pháp nhân thương mại phạm tội: “Quản trị tốt sẽ giúp CEO loại bỏ rủi ro hình sự!”
Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group với DĐDN về vấn đề “pháp nhân thương mại phạm tội” được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Trong những năm trở lại đây, không ít các doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp vướng rủi ro hình sự. Lý do phần lớn do họ thiếu hiểu biết kiến thức về luật pháp hoặc do mất kiểm soát trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.
- Thưa LS, các quy chế - quy trình về pháp lý và kiểm soát tuân thủ mà CEO cần làm bao gồm những gì?
Quốc gia có luật pháp thì doanh nghiệp có quy chế riêng và gia đình có gia quy. “Hành lang luật lệ” ở trong một doanh nghiệp thường do người chủ sở hữu (Đại hội đồng cổ đông trong Cty cổ phần hay Hội đồng thành viên trong Cty TNHH) ấn định trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp.
Việc thiết kế một quy trình – quy chế về quản trị rủi ro pháp lý và kiểm soát tuân thủ cần đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu kinh doanh. Một số doanh nghiệp khi đủ nguồn lực thường lập Phòng Pháp lý và Tuân thủ. Phòng ban này thường phụ trách các công việc tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và đôi khi là kiểm soát tuân thủ, thu hồi công nợ, quan hệ chính phủ và tư vấn liên quan đến thuế - kế toán.
LS Nguyễn Văn Lộc là chuyên gia chủ trì Hội thảo chuyên đề “Loại bỏ rủi ro hình sự, Doanh chủ cần làm gì?” tổ chức ngày 13-01-2018 tại Tp.HCM, đặt vé qua bigtime.vn/LP-3383 hoặc hotline 0903128450. Báo DĐDN là đơn vị bảo trợ truyền thông cho hội thảo đặc biệt này.
- Các vi phạm ở mức độ hình sự nào phổ biến mà các ông chủ doanh nghiệp Việt thường gặp phải hiện nay, thưa LS?
Một số sai phạm dẫn đến người làm ăn phải chịu trách nhiệm hình sự như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán hóa đơn, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả, buôn lậu… Các hành vi phổ biến trước đây như trốn đóng bảo hiểm, sai phạm về thuế - hóa đơn chứng từ, kinh doanh đa cấp, xâm phạm tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong bối cảnh hội nhập nhanh hiện nay, một số hành vi vi phạm mới đang và có thể sẽ diễn ra như vi phạm liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, lừa đảo đa cấp, rửa tiền, trốn thuế hay lừa đảo xuyên biên giới.
- Khi bị truy cứu trách nhiệm, một số trường hợp chủ doanh nghiệp cho rằng mình không biết hoặc do nhân viên của họ cố tình vi phạm, họ có quyền bác bỏ hay phải làm gì, thưa LS?
Pháp luật hình sự không có quy định miễn trừ hay giảm nhẹ khi người vi phạm cho rằng mình vi phạm do... không biết luật. Tôi từng chứng kiến các CEO làm thuê và trong quá trình công tác, họ ký những giấy tờ vay tiền của ngân hàng (do cấp trên giao cho) và phải ngồi tù. Luật quy định họ có nghĩa vụ phải biết. Điều cần thiết là các doanh chủ nên tự trang bị kiến thức kinh doanh song hành với kiến thức luật pháp. Ưu tiên luôn là “phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”.
Tôi từng chứng kiến các CEO làm thuê và trong quá trình công tác, họ ký những giấy tờ vay tiền của ngân hàng (do cấp trên giao cho) và phải ngồi tù.
Quy định mới về “pháp nhân thương mại phạm tội” theo BLHS 2015 đã “vạch ra” hành lang pháp lý về hình sự cho các vi phạm mà doanh nghiệp, cá nhân phải gánh chịu nếu làm ăn sai trái. Nếu chủ doanh nghiệp không thiết lập một cơ chế quản trị tốt cho doanh nghiệp, không định rõ quy chế về quyền miễn trừ trách nhiệm và đảm bảo tính tuân thủ trong toàn doanh nghiệp, họ sẽ phải chấp nhận gánh lấy hậu quả khi có cơ sự.
- Ông từng làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia và sau đó tư vấn cho nhiều giao dịch trong và ngoài nước, ông nhận thấy họ quản trị tuân thủ thế nào?
Các doanh nghiệp đến từ các quốc gia phát triển họ chú trọng công tác quản trị pháp lý và tuân thủ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng chiến lược quản trị rủi ro pháp lý hay cơ chế ứng dụng sự hiểu biết pháp luật để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí đúng luật. Khi có cơ sự hay dùng quan hệ và xử lý sự vụ. Trong khi đó, đa phần các tập đoàn đa quốc gia thường chú trọng vấn đề về thuế, chính sách ưu đãi, cắt giảm chi phí hợp lý – hợp pháp.
Lấy ví dụ, các doanh nghiệp đa quốc gia chú trọng áp dụng mô hình quản trị rủi ro đặc thù cho ngành nghề mình kinh doanh và linh hoạt tùy vào sự thay đổi chính sách của quốc gia đó. Họ thường kết hợp với quy chế về đạo đức kinh doanh để các quyết sách về pháp lý – tuân thủ trong mối quan hệ mật thiết với thị trường và chiến lược vào từng thời điểm.
- Doanh nghiệp trong nước đa phần là SME và doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có chi phí cho việc mời luật sư tư vấn, ông có lời khuyên gì cho họ?
Trong cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh” tôi đã đưa ra khảo sát rằng đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam chưa xác định “chi phí pháp lý” là chi phí cố định trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Các tranh chấp pháp lý và rủi ro do không kiểm soát tốt đều dẫn đến các hệ quả xấu, nhẹ thì phải bồi thường, mất uy tín kinh doanh, nặng thì phải chịu tổn thất tài chính không thể cứu vãn hoặc tù tội. Việc quản trị tốt với cơ chế kiểm soát tuân thủ tốt sẽ giảm được phần nào rủi ro, từ đó giảm chi phí rủi ro pháp lý.
Giai đoạn khởi sự kinh doanh thật khó cho người sáng lập vừa kinh doanh mà vừa sợ rủi ro, rắc rối với luật pháp. Nhưng giả sử nếu sai phạm mà dẫn đến tù tội như tôi đã đề cập, liệu họ có gượng dậy được khi tổn thất quá nhiều? CEO luôn phải đặt câu hỏi đối với cấp dưới: “Loại bỏ rủi ro hình sự, chúng ta cần làm gì?” – như một trong những cách “phòng bệnh” để kiểm soát trên toàn hệ thống và kim chỉ nam trong các quyết sách kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!