Cá nhân, đơn vị không giữ lời hứa thưởng cho đội U23 Việt Nam bị xử lý thế nào?
Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã hứa thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam cần thực hiện việc trả thưởng theo đúng những gì đã công bố. Đây là quan điểm của luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Vừa qua, U23 Việt Nam đã giành ngôi vị Á quân trong Giải vô địch bóng đá U23 châu Á khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ nước nhà tràn đầy niềm tự hào dân tộc. Trước niềm vui hết sức lớn lao này, để thể hiện lòng yêu mến đối với các cầu thủ, nhiều mạnh thường quân đã hứa thưởng cho đội tuyển.
Đội tuyển U23 Việt Nam trong vòng vây hân hoan của người hâm mộ.
Tuy nhiên, điều mà dư luận cả nước đang lo ngại là sẽ có một số lời hứa đó có khả năng không bao giờ trở thành sự thật. Việc này đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, có người không đồng tình, cũng có người cho rằng việc các mạnh thường quân có thực hiện việc thưởng như đã hứa hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí cá nhân của họ, PV Báo điện tử Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla để làm rõ hơn các vấn đề pháp lý xoay quanh sự việc này.
Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: “Theo quy định tại Điều 116 BLDS 2015 thì giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có quyền ủng hộ đội tuyển U23 Việt Nam bằng các giao dịch dân sự trên tinh thần tự nguyện như tặng cho, hứa thưởng hoặc tài trợ dưới các hình thức lời nói hoặc hình thức bằng văn bản.
Cụ thể, tại Điều 457 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 về hợp đồng tặng cho tài sản có quy định như sau: “Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản, Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Ngoài ra, luật sư Trương Quốc Hòe cũng nhận định: “Căn cứ vào các quy định trên thì các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho đội tuyển U23 Việt Nam. Việc tặng cho này phải được sự đồng ý của bên nhận tặng cho và chỉ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản hoặc thời điểm đăng ký (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu).
Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla.
Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp này không thực hiện việc tặng cho nữa thì phải thanh toán các nghĩa vụ mà đội tuyển U23 Việt Nam đã thực hiện để được nhận tặng cho. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên không lập hợp đồng tặng cho mà hầu hết lựa chọn hình thức hứa thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam dưới dạng lời nói, thông báo trên mạng xã hội.
Có thể bạn quan tâm |
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì “hứa thưởng” là một giao dịch dân sự, bản chất là hành vi pháp lý đơn phương của người hứa thưởng. Cụ thể tại Điều 570 có quy định về hứa thưởng như sau: “ Điều 570. Hứa thưởng: Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội ”.
Căn cứ vào quy định này thì rõ ràng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền hứa thưởng tài sản cho U23 Việt Nam khi U23 Việt Nam vào đến trận Chung kết… hoặc bất kỳ một điều kiện nào theo ý chí chủ quan của mình. Việc hứa thưởng hoàn toàn là sự tự nguyện của các doanh nghiệp và cá nhân, phụ thuộc vào tình hình kinh tế cũng như thực tế của các doanh nghiệp và cá nhân.
Đối với việc hiện nay còn một số doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã hứa thưởng cho các cầu thủ U23 nhưng chưa thực hiện thì pháp luật hiện hành không bắt buộc người hứa thưởng phải trao thưởng cho người được hứa thưởng, cũng như bắt buộc về thời gian trao thưởng .
Mặc dù vậy, tại Điều 571 Bộ luật Dân sự 2017 cũng có quy định về việc rút hứa thưởng như sau: “Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố”.
Theo quy định này thì hiện nay các cầu thủ U23 đã thực hiện công việc được hứa thưởng, do đó, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã hứa thưởng cho các cầu thủ U23 cần thực hiện việc trả thưởng theo đúng những gì đã công bố.
Dù pháp luật không có quy định xử lý đối với việc người hứa thưởng không thực hiện trả thưởng, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp, cá nhân đã hứa thưởng cho đội tuyển U23 nhưng không thực hiện thì trước hết họ sẽ đánh mất uy tín, niềm tin của các cầu thủ trẻ, đối tác kinh doanh và nhất là niềm tin của người tiêu dùng.
Còn đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng tài trợ với đội tuyển U23 Việt Nam thì để có thể đánh giá đúng bản chất của sự việc chúng ta phải xem xét đến hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên.
Nếu trong hợp đồng tài trợ có ghi nhận các điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ của bên tài trợ về việc phải thực hiện nghĩa vụ cũng như các chế tài được áp dụng trong trường hợp này thì đội tuyển U23 Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án về việc vi phạm hợp đồng theo quy định của BLDS 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, việc đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi Á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á vừa qua là niềm tự hào chung của cả đất nước. Việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn thể hiện lòng yêu mến thông qua việc hứa thưởng tài sản của mình cho đội bóng cũng như các cầu thủ là một điều hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự đẹp khi lời hứa ra phải được thực hiện đúng như những gì đã thông báo. Đây cũng là một bài học cho những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần suy xét thật kỹ trước khi phát ngôn trước công chúng.